‘Chữa lành những sang chấn tuổi thơ’ của Oprah Winfrey
Sách “Chữa lành những sang chấn tuổi thơ” giúp độc giả hiểu được hành vi của người khác và cả chính chúng ta thông qua những câu chuyện trong quá khứ của Oprah Winfrey, khi bà từng trải qua "sự tổn thương do phải đối mặt với nhiều đau buồn và nghịch cảnh khi còn nhỏ”.
Trong những cuộc trò chuyện xuyên suốt cuốn sách, Oprah Winfrey và bác sĩ Perry tập trung vào việc hiểu con người, hành vi và bên trong nội tâm chúng ta. Đó là một sự thay đổi tinh tế nhưng sâu sắc trong cách tiếp cận của chúng ta đối với những tổn thương và cho phép chúng ta hiểu quá khứ của mình để dọn đường cho tương lai, mở ra cánh cửa giúp phục hồi và chữa lành một cách mạnh mẽ.
Nói về quyển sách, Oprah Winfrey chia sẻ: “Điều tôi được biết sau các cuộc trò chuyện với quá nhiều các nạn nhân phải chịu sang chấn, bị lạm dụng hoặc bỏ rơi, sau khi thấm thía những trải nghiệm đau lòng, đứa trẻ bắt đầu cảm thấy đau… Tiến sĩ Perry đã giúp tôi mở mang tầm mắt về cách mà những trải nghiệm đau đớn, cay nghiệt, đáng sợ hoặc cô lập có thể bị chôn sâu trong não bộ, dù chúng chỉ thoáng qua vài giây hoặc đã kéo dài nhiều năm. Khi bộ não ta phát triển và liên tục thu thập trải nghiệm mới để hiểu về thế giới xung quanh, mỗi khoảnh khắc đến sau lại chồng lên tất cả những khoảnh khắc đến trước”.
Ngoài ra, Tiến sĩ Bruce D. Perry cũng giải thích thêm trong cuốn sách để giúp chúng ta hiểu được cách bộ não phản ứng trước căng thẳng hay sang chấn đầu đời. Từ đó con người sẽ hiểu rõ cách mà những điều đã qua có thể định hình con người, cách hành xử và lý do vì sao chúng ta đang phải làm những việc này.
Qua lăng kính này, con người có thể hình thành một ý thức mới về giá trị bản thân và sau cùng là điều chỉnh lại phản ứng của mình đối với các hoàn cảnh, tình huống và các mối quan hệ. Nói cách khác, đó là bí quyết để ta định hình lại cuộc đời mình.
“Chữa lành những sang chấn tuổi thơ” là cuốn sách giúp người đọc khám phá những tác động của mất mát đau thương, ngược đãi, lạm dụng tình dục, phân biệt chủng tộc, kỳ thị nữ giới, bạo lực gia đình, bạo lực cộng đồng, các vấn đề bản dạng giới và tình dục, án oan... để từ đó giúp hiểu thêm về sức khỏe, quá trình chữa lành cũng như khả năng phục hồi và trưởng thành sau sang chấn.
Và câu hỏi cơ bản “Điều gì đã xảy ra?” có thể giúp mỗi chúng ta hiểu thêm một chút về cách mà những trải nghiệm – cả tốt lẫn xấu – định hình con người mình. Khi chia sẻ nhữSng câu chuyện và khái niệm khoa học này, tác giả hy vọng mỗi người đọc, theo từng cách riêng, sẽ có được những chiêm nghiệm riêng để từ đó có thể sống tốt hơn, trọn vẹn hơn.
Thắm Nguyễn