‘Chàng trai không chân’ Tô Đình Khánh kể về kì tích 2 lần vượt cửa tử
Biến cố ập đến cuộc đời chàng trai trẻ
Năm 2017, chàng trai Tô Đình Khánh rời quê Đắk Lắk xuống TP.HCM lập nghiệp. Ở đây, anh thấy nhiều bạn bè có cuộc sống ổn định nhờ bán hàng qua mạng. Anh cũng tập tành buôn bán online.
Tháng 4/2018, anh Khánh dự định mở cửa hàng kinh doanh quần áo, mỹ phẩm thì bất ngờ phát bệnh hiểm nghèo.
Căn bệnh quái ác bắt đầu từ những cơn tê buốt khiến đôi chân yếu hẳn, khó di chuyển. Đến khi không thể chịu đựng cơn đau, anh Khánh đến bệnh viện thăm khám.
Tại đây, bác sĩ chẩn đoán chân của Khánh đang bị hoại tử dần bởi có một cục máu đông tắc ngay động mạch chủ. Để giữ được tính mạng, anh phải phẫu thuật cưa chân.
Anh Khánh nhớ lại: “Lúc đó, tôi đang nằm ở bệnh viện 175 và chờ chuyển lên tuyến trên. Các bệnh viện chưa bao giờ gặp trường hợp tắc mạch máu mà trong một ngày biến chứng nhanh đến thế”.
Chàng trai trẻ đang không biết số phận rồi sẽ về đâu thì khoảng 30 phút sau, phía bệnh viện Chợ Rẫy đồng ý tiếp nhận điều trị cho anh. Thời điểm đó, chân của Khánh rất đau, cảm giác như sắp nổ tung.
Nằm trong phòng cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẫy, anh Khánh nghĩ đến việc mình không thể sống tiếp. Đặc biệt, khi bác sĩ thông báo chỉ có cách cưa chân mới giữ được mạng sống, anh rất hoang mang và bắt đầu mường tượng về “một Tô Đình Khánh không chân thì sẽ như thế nào, cần phải làm gì…”.
Trong giây phút ngàn cân treo sợi tóc, Khánh chỉ khát khao được sống. Thế nên, anh quyết định đồng ý phẫu thuật cưa chân. Đồng thời, anh gọi điện cho cha mẹ, nói rõ tình trạng của mình.
Biết tin con trai thập tử nhất sinh, cha mẹ của anh Khánh vội vàng lên máy bay vào TP.HCM.
Sau 5 tiếng phẫu thuật, anh Khánh tỉnh dậy và sờ vào chỗ cụt. Anh bàng hoàng nhận ra “à, mình bị cưa chân rồi”. Để tin chắc mình còn sống, anh phải tự gọi tên mình hai lần.
Ở ca mổ đầu, anh Khánh chỉ bị cắt đến đùi, vẫn có hy vọng sau khi bình phục sẽ lắp được chân giả. Thế nhưng chỉ sau một tuần, vết thương của anh tiếp tục hoại tử, phải tiến hành phẫu thuật tháo luôn khớp háng.
Chàng trai không chân kể tại chương trình Gõ cửa thăm nhà: “Bác sĩ bảo đây là một ca đại phẫu thuật, tỉ lệ sống rất thấp. Sức khoẻ của tôi đang rất yếu, gia đình cần chuẩn bị tâm lý và hậu sự”.
Kỳ tích một lần nữa xảy ra, Tô Đình Khánh tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật dài. Tuy nhiên, chặng đường gian nan của anh cũng chỉ mới bắt đầu.
Tiết lộ lời dặn dò trước phẫu thuật
Nhìn thấy con trai vực dậy sau thời gian gặp biến cố, ông Tô Văn Thuyên và bà Trần Thị Nhiên rất đỗi tự hào.
Sau gần 5 năm cố gắng, Khánh đã có cuộc sống ổn định với công việc kinh doanh online, sở hữu kênh YouTube với nhiều clip truyền cảm hứng cho cộng đồng. Đặc biệt, anh cũng tìm được người con gái phù hợp để tiến đến hôn nhân trong thời gian sắp tới.
Nhớ lại lần gặp con sau ca phẫu thuật, bà Nhiên không kìm được cảm xúc: “Gặp con, vợ chồng tôi không dám khóc, sợ con buồn tủi. Đến khi Khánh bước vào cuộc phẫu thuật thứ hai, tôi gần như phó thác cho số mệnh”.
Khi đẩy con vào phòng phẫu thuật, mẹ của Khánh nói với theo: “Cố gắng về với mẹ nha con. Cả nhà chờ con”.
Lời nhắn nhủ của mẹ là động lực giúp anh Khánh không bỏ cuộc. Anh quyết tâm bằng mọi giá phải sống.
Sau thời gian nằm viện, chàng trai không chân trở về nhà với nhiều tâm sự riêng. Bà Nhiên nghẹn ngào chia sẻ: “Thời gian đầu sau khi phẫu thuật thành công, Khánh cứ giấu cha mẹ, khóc thầm đến đỏ mắt, nhưng thấy mẹ là nín liền. Về nằm điều trị tại nhà một năm, Khánh không muốn nói chuyện với ai, có lần còn định tự tử”.
Dù rất buồn nhưng gia đình anh Khánh chưa một lần thể hiện trước mặt chàng trai. Họ nén lại cảm xúc tiêu cực, động viên cả nhà cùng nhau vượt qua.
Một ngày cận Tết, sau tháng ngày kìm nén, ông Thuyên bật khóc trước bàn thờ của gia đình. Cả nhà thấy vậy cũng khóc theo.
Chứng kiến việc này, Khánh tự nhủ phải vực dậy tinh thần, không làm người thân đau buồn thêm nữa.
Anh nghẹn ngào: “Tôi hiểu nỗi đau của gia đình quá lớn. Nếu như tôi cứ nằm một chỗ và buồn bã thì các thành viên trong nhà cũng sẽ tiêu cực theo. Lúc đó tôi vực dậy, quyết định mua xe lăn, tập hít đất để có thể chống cơ thể ra khỏi giường. Gia đình phấn khởi, ba mẹ vui hơn, tôi cũng bắt đầu kiếm tiền bằng cách bán hàng online”.
Cuộc sống dần tốt lên, Khánh chủ động hơn trong công việc và sinh hoạt cá nhân. Mỗi ngày, anh làm việc từ sáng đến tận khuya. Đến giờ cơm, mẹ sẽ đưa cơm sang chỗ làm cho anh ăn.
Ngoài thời gian làm việc, anh còn tham gia các hoạt động thiện nguyện, mang những điều tích cực chia sẻ cho cộng đồng, những người kém may mắn hơn.
“Hiện tại, tôi đang cố gắng làm sao năm nay dành dụm tiền mua nhà cho cha mẹ, tiếp tục công việc thật tốt và có một gia đình nhỏ”, anh Khánh tâm sự.
Đặc biệt, lần đầu tiên, chàng trai không chân tự tin chiếu lại đoạn clip của mình trước cuộc phẫu thuật cưa chân. Đoạn clip lưu khoảnh khắc Khánh vừa đau đớn, rít từng cơn đau, cố nói vài lời gửi cha mẹ.
“Con xin lỗi bố mẹ. Con trai đầu nhưng chưa làm được gì cho bố mẹ thì đã ra đi. Đây có thể là lần cuối cùng con nói chuyện với bố mẹ. Con mong bố mẹ tôn trọng quyết định cuối cùng của con. Bố mẹ đừng buồn, đừng khóc vì con nữa. Đứa con bất hiếu, chào bố mẹ…”, anh Khánh nói trong đoạn clip.
Xem lại hình ảnh Khánh ngày đó, bố mẹ Khánh không kìm được nước mắt. Anh Khánh ôm vai mẹ động viên: “Chuyện cũng qua rồi, không sao nữa, mẹ đừng khóc”.
Anh Khánh của hiện tại đang sống với tinh thần lạc quan và sẻ chia cùng cộng đồng. Câu chuyện cảm động của chàng trai không chân sẽ mãi tiếp thêm động lực cho các mảnh đời bất hạnh khác.