Bảng chi tiêu Tết 50 triệu đồng 'vẫn lo thiếu' của bà mẹ ở Hà Nội

Theo chị Hà, bảng dự chi của chị chỉ mang tính tương đối. Năm nào chị cũng liệt kê ra các khoản và cố chi tiêu trong hạn mức cho phép. Tuy nhiên, chị luôn bị "vỡ kế hoạch".

Gần đến dịp cuối năm, câu chuyện mua sắm và biếu Tết lại được nhiều bà nội trợ quan tâm. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lương thưởng bị cắt giảm, nhiều chị em phải đau đầu tính toán, liệt kê cụ thể từng khoản để có mức chi tiêu hợp lý nhất.

Dẫu vậy, nhiều người vẫn phải thốt lên rằng "tiền như bốc hơi" vì chỉ có mấy ngày Tết nhưng "bay" đến 2-3 tháng lương. Có người thậm chí còn có tâm lý "sợ Tết" vì có quá nhiều khoản lặt vặt cần lo.

Lương không tăng, thưởng không có, nhưng Tết vẫn phải tiêu

Chị Nguyễn Thị Thúy (33 tuổi) nhân viên một công ty dược phẩm (ở quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, Tết là tháng gia đình chị phải chi tiêu nhiều nhất trong năm. Trung bình, chị sẽ chi khoảng 35 triệu đồng cho dịp Tết.

Các khoản cần chi bao gồm biếu bố mẹ đôi bên 10 triệu đồng; mừng tuổi họ hàng, các em, các cháu 5 triệu đồng; mua quà biếu Tết 5 triệu đồng; mua thực phẩm, bánh kẹo, hoa quả 5 triệu đồng; mua quần áo mới cho gia đình nhỏ 3 người 5 triệu đồng; tiền thuê xe về quê và chi phí phát sinh 5 triệu đồng.

Thu nhập của chị Thúy trung bình là 13 triệu đồng/tháng. Những năm trước, chị thường dùng tiền lương và khoản thưởng cuối năm khoảng hơn 10 triệu đồng để tiêu Tết. Số tiền này không đủ, chị phải lấy một nửa lương của chồng để bù vào.

Bảng chi tiêu Tết 50 triệu đồng vẫn lo thiếu của bà mẹ ở Hà Nội - 1

Dịp Tết, chị Thúy thường phải mua sắm, biếu tặng nhiều hơn. (Ảnh: H. A).

Tuy nhiên, đầu năm, công ty cũ của chị bị phá sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chị Thúy đành phải chia tay nơi làm việc mình đã gắn bó 8 năm.

Tại công ty mới, tình hình kinh doanh có ổn định hơn. Tuy nhiên, đến gần những tháng cuối năm, lãnh đạo công ty liên tục thông báo tình hình kinh doanh đang "không có lãi".

Những nhân viên mới như chị Thúy vì thế xác định sẽ không có thưởng Tết. Nếu có mức thưởng chỉ mang tính tượng trưng, khoảng 500.000 - 1.000.000 đồng.

Chị Thúy thở dài: "Thu nhập không tăng nhưng Tết đến vẫn phải chi tiêu từng ấy khoản. Năm nay, tôi tính lương của cả hai vợ chồng cộng lại cũng chẳng đủ tiêu mấy ngày Tết. Chúng tôi lại lấy tiền tiết kiệm ra bù vào".

Tiêu Tết 50 triệu đồng vẫn lo thiếu

Vợ chồng chị Lê Ngọc Hà (34 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) đều là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp. Chị Hà quê ở Thái Bình, còn chồng quê ở Nghệ An. Vì vậy, năm nào Tết đến, chị Hà cũng ở trong cảnh "một chốn đôi quê". Tết là dịp chị Hà sắm sửa cho gia đình, về thăm quê hương nội ngoại, vì vậy các khoản cần phải chi là không hề nhỏ.

Bảng chi tiêu Tết 50 triệu đồng vẫn lo thiếu của bà mẹ ở Hà Nội - 2

Bảng chi tiêu dự kiến dịp Tết của gia đình chị Lê Ngọc Hà. (Ảnh: H. A).

"Năm nay, tôi dự tính tiền tiêu Tết hết khoảng 50 triệu đồng. Tuy nhiên, vật giá leo thang, thứ gì cũng đắt đỏ, tôi sợ từng ấy còn không đủ", chị Hà nói.

Cụ thể, bà mẹ hai con này sẽ dành khoảng 10 triệu đồng để sắm sửa Tết ở Hà Nội. Số tiền này chị dành khoảng 1 triệu đồng mua một cành đào hoặc quất; 3 triệu đồng mua hoa quả, bánh kẹo, bày mâm ngũ quả, gà và xôi cúng vào chiều 28 Tết trước khi về quê. Sáu triệu đồng còn lại, chị dành mua quà biếu Tết cho sếp và một vài người bạn thân thiết.

"Khi về quê, tôi sẽ dành 15 triệu đồng biếu bố mẹ đôi bên. Chúng tôi cũng còn ông bà bên nhà chồng vì vậy sẽ biếu các cụ vài triệu đồng.

Họ hàng, các em, các cháu ở hai quê cũng rất đông nên thường chúng tôi phải dành ra hơn chục triệu đồng mới đủ mừng tuổi. Khoảng 10 triệu đồng còn lại, tôi để đổ xăng xe đi lại, mua thực phẩm Tết, bánh kẹo quà biếu Tết ở hai quê… ", chị Hà cho hay.

Theo chị Hà, bảng dự chi của chị chỉ mang tính tương đối. Năm nào chị cũng liệt kê ra các khoản và cố chi tiêu trong hạn mức cho phép. Tuy nhiên, chị thường bị vỡ kế hoạch, số tiền chi ra bao giờ cũng vượt mức dự trù.

Chị Hà nêu lý do: "Chồng tôi luôn có tâm lý đi làm ăn xa cả năm rồi nên Tết về quê phải tươm tất. Đặc biệt, ngoài mừng tuổi, chúng tôi còn luôn mua thêm các loại quà bánh, quần áo về biếu thêm họ hàng. Nhiều khoản mua sắm dịp Tết, tôi còn quên đưa vào bảng chi tiêu vì đôi khi chúng được mua một cách ngẫu hứng khi gia đình tôi đi hội chợ, gặp cửa hàng có ưu đãi lớn…".

Chia sẻ về tâm lý nhiều người "sợ Tết" vì có quá nhiều khoản chi tiêu, chị Hà cho rằng, áp lực từ thu nhập sẽ khiến nhiều người lo lắng.

Tuy nhiên, chị cho rằng, đó chỉ là cách nói vui, là câu nói cửa miệng bởi theo chị bất cứ người Việt nào cũng xem trọng gia đình. Tết sẽ là dịp mọi người mong ngóng để gặp gỡ và dành cho nhau sự quan tâm cả về vật chất, lẫn tinh thần.

Theo Dân trí