9 điều cha mẹ làm có hại cho con

Rất nhiều điều chúng ta làm và nghĩ rằng nó có lợi cho con cái nhưng thực tế lại không phải.

1. Làm mọi thứ cho trẻ 

Nhiều bậc cha mẹ không muốn con cái phải làm việc nhà. Nhưng chúng ta cần phải dạy chúng làm việc nhà từ khi còn nhỏ để giúp trẻ phát triển các kỹ năng và có thể tự lập sau này. Làm việc nhà mang lại cho trẻ tinh thần trách nhiệm và xây dựng sự tự tin vì chúng có thể thấy rằng sự đóng góp của mình có giá trị đối với gia đình.

Bố mẹ có thể giới thiệu với trẻ việc nấu ăn. Điều này giúp chúng có tinh thần trách nhiệm và sự trưởng thành, cũng như giúp chúng sắp xếp lịch trình của mình để biết mình phải làm gì và ở đâu.   2. Ép trẻ ăn

Tất nhiên, cha mẹ nào cũng muốn con mình ăn uống lành mạnh, để chúng lớn lên khỏe mạnh nhưng rau và trái cây không phải là lựa chọn hấp dẫn nhất trong mắt trẻ. Việc ép trẻ ăn sẽ chỉ khiến trẻ từ chối ăn nhiều hơn. Các bác sĩ chuyên khoa đã khuyên rằng hãy biến những món ăn mà trẻ không thích trở nên thú vị hơn đối với chúng.

Ảnh minh họa. Nguồn Pxfuel

Trước hết, cần hiểu rằng một đứa trẻ luôn biết cách lắng nghe cơ thể mình. Chúng sẽ hiểu khi nào chúng cần ăn và khi nào thì không. 

Khuyến khích trẻ thử những món mới, bởi vì chúng càng thích thú thì sẽ càng dung nạp được nhiều thức ăn hơn.

3. Quý trọng tài năng hơn nỗ lực                 Nói với con rằng chúng là thiên tài ở một lĩnh vực nào đó, rằng chúng có tài năng hoặc năng khiếu bẩm sinh, chắc chắn sẽ thúc đẩy và giúp trẻ đạt được thành công.

Các chuyên gia khuyên nên chúc mừng trẻ vì những nỗ lực của chúng trong việc đạt được những gì chúng đặt ra. Cũng không nên trầm trọng hóa những sai lầm mà trẻ đã mắc phải trong khi học, vì điều này sẽ giúp các em làm chủ được những nhiệm vụ khó khăn và tiến lên khi đối mặt với thất bại.

4. Giải quyết tất cả các vấn đề trong cuộc sống của trẻ

Cha mẹ nào cũng muốn con mình được sống vui vẻ, không phải lo lắng nhưng chắc chắn mỗi đứa trẻ đều phải trải qua những khoảng thời gian khó khăn. Tránh những trải nghiệm tiêu cực bằng cách giải quyết vấn đề cho trẻ sẽ không có lợi cho cuộc sống của trẻ sau này.

Điều tốt nhất bạn có thể làm là dạy chúng tự giải quyết những trở ngại và khó khăn, như vậy chúng sẽ trở nên tự tin và độc lập hơn. Trẻ sẽ không nản lòng với những khó khăn ập đến và sẽ có biện pháp để giải quyết chúng một cách sáng tạo, bền bỉ.   5. Lên quá nhiều lịch hoạt động cho trẻ

Việc cho con cái chúng ta cơ hội thử sức với các hoạt động thể thao và văn hóa để phát triển tài năng là điều bình thường nhưng sẽ không tốt khi điều đó chiếm phần lớn thời gian ngoài trường học của chúng. Trẻ em có lịch trình quá bận rộn có thể dẫn đến tâm trạng ủ rũ, cáu kỉnh, thất vọng, tức giận, đau bụng, đau đầu và thậm chí nổi loạn.

Ngoài ra, trẻ em cần có thời gian rảnh rỗi để không làm gì và chỉ là những đứa trẻ. Ví dụ, bằng cách chơi với những người khác, chúng phát triển khả năng sáng tạo và kỹ năng xã hội. Đồng thời điều này cũng thúc đẩy sự phát triển về nhận thức, thể chất và cảm xúc.

6. Buộc trẻ phải hòa nhập với xã hội

Đời sống xã hội là một phần quan trọng trong quá trình phát triển và cuộc sống tương lai của trẻ. Nhưng đối với một số trẻ, việc kết bạn không dễ dàng vì mọi người đều phát triển khả năng hòa nhập xã hội theo tốc độ của riêng mình. Buộc trẻ tiếp xúc với mọi người không phải là giải pháp. Bởi vì theo một nhà tâm lý học, “nó có thể tạo ra tác động ngược khiến trẻ tự cô lập hoặc chống đối việc liên quan đến người khác”.

Điều chúng ta phải làm là động viên và cung cấp cho trẻ những phương tiện để học cách hòa nhập với xã hội. Đặt chúng vào môi trường, tình huống và hoàn cảnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc tương tác với những đứa trẻ khác, để chúng có thể học và thực hành các kỹ năng xã hội của mình cho đến khi chúng trở nên hòa đồng.

7. Không muốn để trẻ một mình

Ở bên con mọi lúc có thể giúp bố mẹ chắc chắn rằng chúng được bảo vệ tốt. Nhưng cho trẻ ở một mình cũng rất tốt cho chúng.

Khi một đứa trẻ dành thời gian chơi một mình, chúng học được những giá trị sống quan trọng như tự giải trí và không cần phụ thuộc vào người khác để được hạnh phúc, trở nên độc lập về mặt xã hội, tức là không cần mọi người vây quanh và cảm thấy an toàn khi ở một mình. Điều này cũng mang lại cảm giác bình tĩnh và tự chủ. Và một điều rất quan trọng: cha mẹ có thời gian nghỉ ngơi!

8. Tiêu tiền không cần thiết

Muốn con cái có quần áo đẹp nhất, đồ chơi tốt nhất và những thứ chúng cần tốt nhất không chỉ tác động đến ngân sách gia đình mà còn làm gương xấu về việc sử dụng tiền bạc. Điều tốt nhất bố mẹ nên làm là dạy trẻ về tầm quan trọng của món đồ. Một chuyên gia nói rằng chúng ta nên làm điều này trước khi trẻ 7 tuổi, giải thích nó là gì và giá trị của nó.

Cũng rất tốt để trẻ thấm nhuần tầm quan trọng của việc có ngân sách và tiết kiệm có hiệu quả cho những lần mua hàng sau này. Bạn thậm chí có thể đưa tiền cho con thông qua nỗ lực của con, chẳng hạn như thưởng cho trẻ khi làm việc nhà.

9.  So sánh trẻ với nhau

Mỗi đứa trẻ có những khả năng riêng, bởi vì chúng không giống nhau! Việc so sánh giữa một đứa trẻ với những đứa trẻ khác và khuyến khích chúng giống như những đứa trẻ khác sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi.

Nó có thể dẫn đến sự đố kỵ, ghen ghét và ganh đua, đặc biệt là khi liên quan đến anh chị em. Việc so sánh làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, vì chúng ta đang cho trẻ thấy rằng chúng không có những đặc điểm nhất định mà cha mẹ muốn chúng có.

Để khuyến khích trẻ, hãy tán dương những hành vi tích cực của trẻ để trẻ biết rằng mình được đánh giá cao.

Phạm Nương (Theo Bright side)