8X Việt lấy chồng Nhật: Không phải làm dâu, tự chuẩn bị cơm cữ

Lấy chồng Nhật, chị Trang may mắn không phải làm dâu dù chỉ một ngày. Tuy nhiên, cô dâu Việt rất chủ động trong các công việc nhà, thậm chí chuẩn bị một tháng cơm cữ trước sinh.

11 năm không phải làm dâu

Tính đến nay, chị Nhiêu Kim Trang (33 tuổi, Hokkaido, Nhật Bản) đã có 11 năm sinh sống ở Nhật Bản. Trong suốt thời gian đã qua, chị Trang có cơ hội trải nghiệm nhiều điều thú vị ở đất nước mặt trời mọc. 

Người phụ nữ này không mất nhiều thời gian để làm quen với cuộc sống và các món ăn Nhật Bản. Bởi vì, lúc còn ở Việt Nam, chị sống cạnh khu phố có nhiều người Nhật lưu trú. 

Nhiêu Trang gặp người chồng hiện tại khi anh sang Việt Nam công tác tại công ty mà chị đang làm việc. 

Mặc dù đang sống và làm việc tại Thái Lan nhưng từ ngày quen biết cô gái Việt dễ thương, anh chàng người Nhật thường sắp xếp ngày nghỉ hoặc kết hợp công tác để bay sang Việt Nam thăm bạn gái. 

Sau vài tháng quen nhau, người đàn ông Nhật cầu hôn cô gái Việt.

Thỉnh thoảng, chị Trang cũng bay qua Thái thăm người yêu. “Quen nhau được vài tháng, anh liền ngỏ lời muốn cưới tôi”, chị Trang kể.

Sau khi kết hôn, cả hai về sống ở Hokkaido. Nơi đây có khí hậu lạnh nhất ở Nhật Bản.

Vào mùa hè, Hokkaido nóng giống như ở Việt Nam nhưng đến mùa đông, tuyết phủ trắng đường đi.

Trước khi theo chồng về Nhật, chị Trang có phần lo lắng cuộc sống hôn nhân, chuyện làm dâu nơi xứ người. Thế nhưng, suốt 11 năm qua, chị Trang may mắn không phải làm dâu dù chỉ một ngày. Chị không sống với gia đình chồng, thỉnh thoảng mới về thăm mẹ chồng.

“Lúc mẹ chồng còn khỏe, tôi về chơi cũng không phải lo việc bếp núc. Tất cả đều được mẹ chuẩn bị sẵn. Đến lúc mẹ chồng mất, ngày giỗ của bà, các cậu dì cũng tự chuẩn bị, đặt đồ về làm cỗ chứ không cho con dâu, cháu dâu nấu nướng”, chị Trang cho biết.

11 năm lấy chồng Nhật, chị Trang chưa từng làm dâu.

Chồng của chị Trang bề ngoài ít tỏ vẻ nhưng lại rất tâm lý và hiểu chuyện. Thỉnh thoảng, anh cũng chuẩn bị những món quà bí mật tặng vợ vào những dịp kỷ niệm hoặc sinh nhật.

Do vợ chồng chị Trang đều phải đi làm toàn thời gian nên việc nhà được chia đều hoặc giúp qua giúp lại.

Chuyện vợ chồng bất đồng quan điểm thì nhà nào cũng có. Vợ chồng chị Trang còn thêm sự khác biệt về lối sống, văn hóa giữa hai nước. Thế nhưng, cả hai thường chọn ngồi lại hòa giải và đưa ra cách thống nhất vấn đề.

Chuẩn bị cơm cho một tháng ở cữ

Hiện tại, chị Trang đang nghỉ thai sản. Đây là lần sinh con thứ 2 của chị ở Nhật Bản. Chị đi làm đến hết 32 tuần mới bắt đầu nghỉ. Thậm chí, chị còn cùng chồng hoặc bạn bè đi chơi để tận hưởng nốt những ngày còn rảnh rỗi. Dù đang mang thai, chị vẫn có thể lái xe cả đi và về hơn 600km. Một tuần trước khi sinh, vợ chồng chị còn rủ nhau đi tắm biển.

Trong lần sinh đầu, chị không đi làm, chỉ ở nhà nội trợ. Lúc đó, mẹ chị cũng bay từ Việt Nam sang để hỗ trợ.

Những bữa cơm cữ do chị Trang chuẩn bị sẵn trước khi sinh.

“Tôi thấy lần sinh thứ 2 rất khác với lần sinh đầu. Lần đầu, tôi không đi làm, chỉ ở nhà nội trợ. Lúc đó, mẹ của tôi còn bay từ Việt Nam sang để hỗ trợ. 

Lần này, tất cả được tôi chuẩn bị kỹ càng, tự lập và diễn ra suôn sẻ hơn. Những bữa cơm cữ được tôi chuẩn bị sơ chế sẵn, rồi cấp đông trước lúc gần sinh”, chị Trang chia sẻ.

Không có mẹ bên cạnh, chồng lại đi làm đến tối muộn nhưng với tính cầu toàn, chị Trang luôn chủ động sắp xếp mọi việc. 

Lúc sắp sinh, chị Trang tự lên thực đơn các món muốn ăn trong một tháng ở cữ. Sau đó, chị đến siêu thị mua thực phẩm về sơ chế, rau củ tươi thì chồng chị sẽ mua sau nếu thiếu.

Trong một tháng ở cữ, cô dâu Việt rất thoải mái, không bị căng thẳng sau sinh.

Chị Trang sinh con vào mùa hè. Thế nên, rau củ quả và trái cây rất phong phú, thức ăn cũng đa dạng. Các món kho như gà, thịt… được chị làm sạch và ướp sẵn, hút chân không. 

Chồng chị làm việc nhà thay vợ, chăm sóc và đưa con gái lớn đi học. Anh không ăn được món Việt Nam nên phải tự nấu cơm.

Nhờ chuẩn bị trước mọi thứ, chị Trang có một tháng ở cữ không bị căng thẳng, rảnh rỗi thì xem hài, chương trình truyền hình…

“Tôi không kiêng cữ món ăn sau sinh, cứ thích ăn gì thì ăn thôi. Mỗi bữa cơm, tôi cũng không tính toán nhiều, chỉ chuẩn bị những món mình thích và ăn hợp miệng. 

Bữa ăn không cần nhiều cơm nhưng nhiều thức ăn và canh nóng để có sữa cho em bé bú. 

Ở nước ngoài nói chung và Nhật nói riêng, việc ở cữ rất thoải mái, không có khái niệm kiêng kị trong việc chọn món ăn. 

Thức ăn theo mùa đủ các thể loại phong phú, không hề kiêng cữ cá, đồ tanh, đồ lạnh… Do đó, tâm trạng của tôi cũng rất thoải mái, không bị gò bó theo khuôn khổ”, chị Trang cho biết.

Chị Trang vừa sinh con lần 2 và đang trong kỳ nghỉ thai sản.

Ngoài cơm cữ, cô dâu Việt không gặp áp lực về việc lo lắng bữa ăn cho gia đình. Những lúc mệt mỏi, chị không cần cố gắng vào bếp, chồng sẽ đi mua thức ăn bên ngoài hoặc cả nhà cùng ra ngoài ăn.

Chị Trang rất thích nấu nướng. Thế nên, nếu có thời gian chị sẽ bày vẽ món này món kia. Các buổi tụ tập bạn bè người Việt hoặc những buổi tiệc, chị đều xung phong đứng bếp chính.

Ngoài ra, chị cũng từng đứng lớp dạy người Nhật nấu ăn và lên báo, truyền hình giới thiệu - hướng dẫn cách làm món bánh xèo Việt Nam đến với người Nhật . 

Chị Trang khẳng định: “Với tôi, việc nấu ăn giữ một phần vai trò quan trọng trong hạnh phúc gia đình. Sau buổi làm việc mệt mỏi, cả nhà quây quần cùng ăn thì rất hạnh phúc. Tuy nhiên, hôm nào mệt, cả nhà cùng đi ra ngoài ăn cũng thú vị”.

Ảnh: NVCC