8 mẹo ăn bánh Trung thu không lo tăng cân
Bánh Trung thu là món ăn không thể thiếu với nhiều gia đình trong dịp rằm tháng 7, tháng 8 âm lịch. Song, một chiếc bánh Trung thu nhỏ nhắn lại chứa lượng calo "khủng". Viện Dinh dưỡng quốc gia ước tính: - Một chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm khoảng 170 g cung cấp 566 calo, gồm: 16,3 g đạm, 6,6 g lipid, 110,2 g glucid. - Một chiếc bánh dẻo đậu xanh một trứng khoảng 176 g chứa 648 calo, năng lượng gấp 2-2,5 lần bát phở bò. - Một chiếc bánh nướng 176 g thập cẩm cung cấp 706 calo, gồm: 18 g đạm, 31,5 g lipid và 87,5 g glucid. - Một chiếc bánh nướng đậu xanh một trứng 176 g cung cấp 648 calo, gồm: 19,5 g protid, 27,5g lipid, 80,6 g glucid. Lượng bột đường của một chiếc bánh trung thu bằng 2-3 bát cơm (một bát cơm 258 g), đường làm bánh chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh.
Ban Xúc tiến sức khỏe, Bộ Y tế Singapore, ước tính lượng calo của một chiếc bánh Trung thu 188 g với các món ăn thường ngày tại Singapore. Ảnh: Singapore Health Promotion Board
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình một người trưởng thành nạp vào cơ thể khoảng 2.000 calo/ngày. Trong khi đó, lượng calo của một chiếc bánh Trung thu đã chiếm đến phân nửa con số đấy. Bạn chỉ cần ăn cùng lúc hai chiếc bánh Trung thu đã cung cấp đủ mức năng lượng cả ngày cho cơ thể. Ăn thêm các thực phẩm khác sẽ gây thừa calo. Do đó, niềm vui thưởng thức bánh Trung thu luôn đi kèm với nỗi lo tăng cân và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Để có mùa Trung thu vui, khỏe, không mang theo mỡ thừa, bạn nên "nằm lòng" những lưu ý dưới đây. 1. Không ăn khi đói hoặc mệt Khi bạn đói hay mệt mỏi, nhu cầu ăn thực phẩm chứa lượng đường cao tăng lên. Khả năng hấp thu của dạ dày khi đó luôn tăng cao nên ăn bánh Trung thu vào lúc này, bạn dễ ăn quá mức kiểm soát. Chưa kể, bổ sung đồ ngọt khi cơ thể mệt mỏi dễ dẫn đến thiếu vitamin nhóm B - nhóm vitamin chủ chốt trong việc chuyển hóa đường thành năng lượng. 2. Không ăn sau 19 giờ Sau 19 giờ là khoảng thời gian cơ thể nghỉ ngơi, ít vận động. Ăn bánh Trung thu vào lúc này, cơ thể sẽ không có đủ thời gian để tiêu hóa, dẫn đến chuyển hóa năng lượng thành chất béo. Chưa kể, ăn bánh Trung thu sau bữa chính còn làm tăng lượng calo nạp vào, dẫn đến tăng cân. 3. Không ăn quá nhiều Bánh Trung thu sử dụng nhiều dầu thực vật tinh chế, tạo ra chất béo không có lợi cho cơ thể. Hàm lượng chất béo xấu cao có thể làm tăng cholesteorol, gây hiện tượng cục máu đông. Ăn quá nhiều bánh Trung thu có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, mỡ máu, cao huyết áp, bệnh tim, các chứng thấp khớp cũng như suy giảm chức năng não bộ. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người ít vận động chỉ nên ăn 1/4 chiếc bánh Trung thu, tương đương 50-200 calo. Người vận động nhẹ nhàng nên ăn 1/2 chiếc bánh, tương đương 250-300 calo. Người thường xuyên vận động có thể ăn một chiếc bánh, tương đương với 400-700 calo. 4. Ăn chậm, ăn từng miếng nhỏ Ăn chậm là thói quen tốt cho sức khỏe và cân nặng. Bạn nên áp dụng phương pháp ăn chậm ngay cả khi ăn một miếng nhỏ bánh Trung thu bởi ăn quá nhanh dễ khiến bạn ăn mất kiểm soát. Ăn chậm, nhai từng miếng nhỏ sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu, hạn chế tăng cân.
Uống trà khi ăn bánh Trung thu giúp thúc đẩy tiêu hóa, ngăn ngừa tích tụ mỡ thừa
5. Uống trà khi ăn bánh Khi ăn bánh Trung thu, nên dùng kèm các loại trà có lợi cho sức khỏe như trà xanh, trà hoa cúc hay trà ô long để vừa giúp giải ngấy, vừa tránh tăng cân. Axit axetic trong trà giúp tăng cường tiêu hóa, ngăn ngừa tích tụ mỡ thừa. Tránh dùng các loại đồ uống chứa đường, đồ uống có ga khi ăn bánh Trung thu bởi có thể làm tăng cân mất kiểm soát. 6. Giảm lượng cơm và thức ăn hàng ngày Với hàm lượng calo cao cùng lượng bột đường trong một chiếc bánh tương đương 2-3 bát cơm, bạn cần cắt giảm cơm và thức ăn hàng ngày để bảo đảm không nạp vào cơ thể quá lượng calo cần thiết. Đây là nguyên tắc quan trọng giúp bạn tránh nỗi lo tăng cân khi thưởng thức bánh Trung thu. Ước tính, nếu ăn 1/2 chiếc bánh Trung thu, bạn cần bớt một bát cơm và lượng thức ăn tương ứng, đồng thời, tích cực ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước hơn để thải chất béo ra ngoài và ngăn ngừa đường huyết tăng nhanh. 7. Tập luyện tích cực Yếu tố quan trọng để bảo toàn cân nặng trong mùa Trung thu là tích cực tập luyện. Các chuyên gia ước tính, sau khi tiêu thụ nửa chiếc bánh Trung thu, bạn nên đi bộ khoảng 30 phút để đốt cháy một phần lượng calo nạp vào. 8. Chọn bánh Trung thu healthy Thay vì sử dụng các nguyên liệu truyền thống như nước đường, bột mỳ, mỡ đường... bánh Trung thu healthy ưu tiên dùng nguyên liệu lành mạnh, có lợi cho sức khỏe như bột mỳ nguyên cám, bột hạnh nhân, dầu dừa, khoai lang, các loại hạt ngũ cốc... Do đó, bánh Trung thu healthy chứa lượng calo chỉ bằng 1/4 bánh Trung thu truyền thống, ước tính 200-400 calo. Ngoài ra, các nguyên liệu làm bánh còn giúp no lâu, ổn định đường huyết, hạn chế tăng cân.
Theo Ngoisao.net