Vết xước trên chảo chống dính nguy hiểm thế nào
Chiếc chảo chống dính đầu tiên được tạo ra vào năm 1954 và được ưa chuộng cho đến ngày nay. Tuy nhiên nếu không biết cách sử dụng chảo chống dính, bạn có thể mắc một số sai lầm gây hại sức khỏe.
Mặt trong của chảo chống dính được phủ lớp hợp chất cao phân tử có tên là polytetrafluoroetylen (PTFE).
Một báo cáo năm 2022 từ tổ chức phi lợi nhuận Ecology Center cho thấy, 79% chảo nấu chống dính và 20% chảo nướng chống dính được phủ PTFE.
Trong một nghiên cứu mới đây, các tác giả phát hiện ra rằng, chỉ một vết xước nhỏ trên chảo chống dính có thể giải phóng khoảng 9.100 hạt nhựa trong quá trình nấu.
Nếu lớp chống dính bị hỏng, khoảng 2.300.000 hạt vi nhựa và nhựa nano có thể được giải phóng và có khả năng xâm nhập vào thực phẩm, gây hại cho sức khỏe.
Nhà nghiên cứu Cheng Fang của Đại học Newcastle cho biết, PTFE thuộc nhóm các chất per và polyfluorinated (PFAS), một nhóm hóa chất không phân hủy trong môi trường, gây ô nhiễm đất, nước và tích tụ trong cơ thể của các sinh vật sống.
Một khi hàng triệu hạt nhựa PFAS được giải phóng, chúng sẽ lưu hành trong hệ sinh thái một thời gian dài. Điều này giải thích tại sao chúng thường được mệnh danh là “hóa chất vĩnh cửu”.
Phơi nhiễm PFAS có liên quan đến nhiều tác dụng phụ khác nhau đối với sức khỏe như thay đổi quá trình trao đổi chất, tăng nguy cơ thừa cân hoặc béo phì và giảm khả năng chống nhiễm trùng.
Vì vậy để tránh nhiễm hạt nhựa vào thực phẩm từ chảo chống dính, các đầu bếp khuyên chúng ta nên sử dụng các dụng cụ nấu nướng mềm, không sắc nhọn để tránh làm trầy xước bề mặt chống dính.
Không nên dùng thìa inox, dùng búi cọ nồi để nấu và cọ rửa. Đặc biệt phải thay mới ngay nếu đồ chống dính có dấu hiệu trầy xước. Các chuyên gia cũng khuyên rằng, chỉ nên sử dụng chảo chống dính trong 2 năm. Vì quá thời hạn đó, lớp chống dính trên bề mặt chảo không còn đảm bảo.
Theo Popsci/ Sciencealert