Phân biệt ánh sáng ấm và lạnh khi sắp xếp nhà

Ánh sáng lạnh giúp căn nhà của bạn rực rỡ hơn. Trong khi đó, ánh sáng ấm tạo cảm giác ấm cúng, thư giãn.

Bạn có thể kết hợp cả ánh sáng ấm và lạnh trong cùng một không gian. Ảnh: Ann Poan/Pexels.

Ánh sáng lạnh và ánh sáng ấm là hai sắc thái ánh sáng thường được sử dụng phổ biến trong thiết kế nội thất. Mỗi loại không chỉ khác nhau ở chức năng chiếu sáng, mà còn có tác động đối với không gian và tâm trạng con người.

Trong bài viết này, Living etc sẽ giúp người đọc phân biệt giữa 2 loại, đồng thời đưa ra gợi ý cho việc áp dụng trong không gian nhà ở.

Điểm khác biệt

Về cơ bản, ánh sáng có hai thành phần: nhiệt độ màu và hiển thị màu.

Nhiệt độ màu được đo bằng độ Kelvin (độ K). Ở trong nhà, chỉ số này thường dao động từ 2.000 K đến khoảng 6.500 K. Độ K càng cao, ánh sáng càng lạnh.

"Ánh sáng sẽ thiên về các tông vàng, cam ở nhiệt độ thấp và ngả về tông màu xanh da trời ở nhiệt độ cao. Vì vậy, sự khác biệt cơ bản giữa ánh sáng ấm và lạnh là ở các tông màu và họ màu", Rishabh Kapoor, nhà thiết kế tại Công ty nội thất Design Deconstruct (Ấn Độ), cho biết.

Trong khi đó, theo Robbie Llewellyn, người đồng sáng lập và nhà thiết kế tại hãng đèn Bert Frank (Anh), mỗi loại ánh sáng lại có những đặc điểm và công dụng khác nhau.

"Ánh sáng ấm mang đến một bầu không khí thân mật, ấm cúng và thư giãn. Còn ánh sáng lạnh giống với ánh sáng tự nhiên, giúp không gian trở nên rực rỡ hơn và thích hợp với các công việc như đọc sách hoặc nấu ăn", ông nói.

Scarlett Hampton, người đồng sáng lập hãng đèn Lights & Lamps (Anh), lại đưa ra lời khuyên rằng: "Vào buổi tối, bạn hãy giảm cường độ ánh sáng của những chiếc đèn gắn trần. Ngoài ra, hãy bổ sung thêm những chiếc đèn có ánh sáng ấm để giúp phòng khách hoặc phòng ngủ ấm cúng hơn".

anh sang anh 1

Ánh sáng lạnh và ánh sáng ấm mang đến những cảm nhận khác nhau về không gian.

Đồng thời, David Amos, Giám đốc điều hành của thương hiệu đèn Amos Lighting + Home (Anh), đưa ra gợi ý cho kiểu ánh sáng phù hợp với các không gian trong nhà:

"Khi chọn ánh sáng ấm và lạnh cho các căn phòng, trước tiên, bạn cần xem xét chức năng của mỗi không gian. Nếu đó là phòng chức năng như nhà bếp, phòng làm việc, ánh sáng lạnh sẽ thúc đẩy năng suất, sự tỉnh táo và phù hợp với nơi có nhiều hoạt động. Còn nếu đó là không gian thư giãn, ánh sáng ấm áp sẽ mang lại cảm giác thư thái hơn", ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, một vài chuyên gia khuyên bạn không nên sử dụng bóng đèn CLF (đèn huỳnh quang compact) bởi nó gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, tương tự như ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại di động và máy tính.

Chọn kiểu ánh sáng cho từng không gian

Phòng bếp

Như đã đề cập ở trên, ánh sáng lạnh phù hợp với những không gian diễn ra nhiều hoạt động như nhà bếp. Tuy nhiên, nhà bếp cũng là nơi chúng ta trò chuyện với gia đình, bạn bè, nên sẽ cần thêm các loại đèn Mood có tác dụng hỗ trợ cảm xúc, tâm trạng. Bởi vậy, lý tưởng nhất là bạn có thể kết hợp cả ánh sáng ấm và ánh sáng lạnh.

Tom Howley, Giám đốc thiết kế tại công ty thiết bị nhà bếp cùng tên, cho biết: "Căn bếp của bạn phải có hệ thống chiếu sáng cho từng khu vực cụ thể. Ví dụ, bạn sẽ cần thiết kế ánh sáng lạnh ở bàn bếp - nơi sơ chế, chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn. Còn khu vực chuyện trò xung quanh bàn đảo sẽ cần ánh sáng ấm".

anh sang anh 2

Theo chuyên gia, phía trên bàn đảo cần đèn có ánh sáng lạnh.

Phòng ngủ

Ánh sáng lý tưởng cho phòng ngủ là loại ánh sáng trắng có thể điều chỉnh từ tông màu ấm (khoảng 1.650 K) đến màu trung tính và màu trắng lạnh (khoảng 8.000 K). Loại ánh sáng này giúp điều chỉnh nhịp sinh học trong cơ thể - nhân tố ảnh hưởng đến giấc ngủ và tâm trạng của bạn. Ngoài ra, nó sẽ trở nên ấm hơn vào buổi sáng và lạnh hơn vào buổi chiều.

Nếu phòng ngủ của bạn không nhận được nhiều ánh sáng tự nhiên, hãy cân nhắc lắp thêm đèn âm trần có ánh sáng lạnh để hỗ trợ các công việc như dọn dẹp, đọc sách. Loại đèn này thích hợp cho những ngày trời tối, nhưng sẽ cần giảm độ sáng hoặc tắt hẳn đi khi bạn cần thư giãn.

Phòng khách

Phòng khách là không gian chuyện trò, thư giãn nên sẽ thích hợp với ánh sáng ấm. Ngoài ra, bạn cũng cần kết hợp các loại đèn tác vụ trong khu vực này. Đèn đọc sách nên có ánh sáng lạnh một chút, còn đèn tường và đèn thả trần sẽ cần ánh sáng ấm.

Phòng tắm

Để có một không gian thư giãn trong phòng tắm, bạn nên chọn ánh sáng dịu. Shivam Dewan, nhà sáng lập hãng đèn Rosha (Ấn Độ), cho biết: "Ánh sáng ấm áp khiến con người cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn, nên đây là lựa chọn ưu tiên cho phòng tắm".

anh sang anh 3

Bạn nên chọn ánh sáng ấm cho phòng tắm để tạo cảm giác thư giãn.

Phòng ăn

Phòng ăn là nơi tụ tập với gia đình, bạn bè nên ánh sáng ấm là lựa chọn lý tưởng nhất. Bạn có thể chọn đèn thả trần, đèn chùm hoặc thậm chí đèn treo tường có ánh sáng khuếch tán nhẹ, không quá chói và vừa đủ để bạn có một bữa ăn thoải mái.

Ngoài ra, khoảng cách giữa đèn và bàn ăn cũng có thể ảnh hưởng đến không khí của cả phòng. Bạn không nên chọn đèn thả quá sát bàn ăn hoặc đèn gắn sau lưng gây hắt bóng.

Theo Zing