3 cách kìm hãm mua sắm bốc đồng

Nhiều người dễ chi tiêu cho những thứ không cần thiết hoặc kém quan trọng. Sau đó, họ lập tức hối hận và mệt mỏi vì hết tiền.

Bạn cần lập kế hoạch chi tiêu từ ngắn đến dài hạn để đảm bảo khả năng tài chính. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Đã bao nhiêu lần bạn thích điên đảo một món đồ, chi số tiền không nhỏ để mua về rồi nhanh chóng chán ghét?

Đó chính là biểu hiện của mua sắm theo tâm trạng nhất thời, hay còn gọi là mua sắm bốc đồng - một nguyên nhân lớn khiến bạn dễ dàng cạn ví. Và chắc chắn, việc hết tiền chẳng mấy vui vẻ, dễ chịu gì đối với tinh thần của bạn.

Psychology Today gợi ý 3 cách giúp bạn có thể kìm hãm thói quen mua sắm "tới bến", cải thiện sức khỏe tâm thần và tài chính.

Lập kế hoạch

Nếu bạn muốn giảm hoặc loại bỏ thói quen chi tiêu theo cảm tính, hãy tạo lập cho mình một kế hoạch tài chính cá nhân ngắn hạn, lặp lại theo chu kỳ khoảng 7-21 ngày.

Sau đó, bạn cần quay lại thói quen chi trả bằng tiền mặt thay vì quẹt thẻ/thanh toán online. Việc nhìn thấy số tiền trong ví ít dần đi giúp bạn có ý thức hơn về việc phải tiết kiệm.

Ngoài ra, bạn cần làm quen với việc tự nấu ăn, pha cà phê tại nhà hoặc tái chế quần áo cũ.

Việc "kiêng" tiêu tiền rõ ràng sẽ khiến bạn bí bách, khó chịu. Vì vậy, hãy cân nhắc rủ một người thân hoặc bạn bè cùng thực hiện để động viên và nhắc nhở lẫn nhau.

nghien mua sam anh 1

Mua sắm theo cảm tính chính là một nguyên nhân lớn khiến bạn nhanh chóng cháy ví. Ảnh minh họa: Anastasia Ahuraev/Pexels.

Biết tại sao mình tiêu tiền

Sau khi lên kế hoạch chi tiêu, bạn cần xác định những người, địa điểm hoặc lý do có thể kích thích bạn mua hàng. Đó có thể là KOL, người nổi tiếng, chương trình giảm giá qua ứng dụng mua sắm trên điện thoại...

Biết được điều thúc đẩy mình mua sắm, bạn sẽ biết cách ứng phó. Ví dụ, nếu thường xuyên để tâm đến những đợt sale từ các nhãn hàng, sàn TMĐT, bạn nên hủy nhận email, tin nhắn, thông báo trên điện thoại của mình.

Còn nếu bạn mua sắm bởi luôn có tiền trong người, bạn có thể nhờ người thân giúp quản lý tài chính, khóa thẻ ngân hàng...

Đặt câu hỏi trước khi mua sắm

Trước khi tiêu tiền, bạn hãy tự hỏi:

  • Mặt hàng hoặc dịch vụ này có thực sự cần thiết không?
  • Khoản chi này có lợi ích gì cho mục tiêu cá nhân, nghề nghiệp hay tài chính của mình?

Tập thói quen cho bản thân có những "khoảng chờ". Điều này có nghĩa khi yêu thích một món đồ, bạn khoan hãy quyết định ngay. Bạn có thể bỏ sản phẩm đó vào giỏ hàng và quay lại sau vài ngày suy nghĩ.

Hãy thử cách làm này và ghi lại điều bạn nhận thấy lợi ích, ảnh hưởng của nó trong một tuần, sau đó thảo luận với một người bạn hoặc nhà trị liệu về điều đó.

Theo Zing