Từ chị em bỉm sữa tới những người trẻ đang xoay sở thế nào trước 'nỗi ám ảnh' thất nghiệp?
Có thể nói, 2023 là năm cho thấy rõ nhất tác động của đại dịch Covid -19 lên tất cả các ngành nghề. Từ đầu năm, người ta đã không ngừng định nghĩa về “bão sa thải”, về “lay off”. Ngay cả các nhân viên của tập đoàn công nghệ, bán lẻ lớn trên thế giới hay ở quốc gia tỉ dân Trung Quốc - những người nhận lương cả ngàn đô mỗi tháng cũng điêu đứng vì bị giảm lương, tăng giờ làm, tăng lượng công việc.
Nói đâu xa xôi, ở Việt Nam, những câu chuyện "đã tìm việc 3 tháng chưa có bến đỗ", "chấp nhận quay lại công ty cũ chỉ để có lương".... được chia sẻ từ mạng xã hội ra tới đến các quán cà phê, trà đá vỉa hè. Nhất là khi Tết đã cận kề, nỗi ám ảnh mang tên thất nghiệp lại càng nặng nề hơn bao giờ hết.
Những bà mẹ bỉm sữa loay hoay tìm cách trở lại thị trường lao động
Ở thời điểm trước khi dịch bệnh ập đến, chuyện phụ nữ nghỉ sinh, tạm gác lại sự nghiệp trong khoảng thời gian nửa năm, thậm chí 1 năm để lo cho gia đình không phải là điều quá lo lắng. Tuy nhiên, lúc này, các công ty đều cắt giảm nhân sự, hạn chế tuyển dụng, thì việc tìm được một công việc ổn định với các bà mẹ có con nhỏ là thách thức lớn.
Thùy Trang - 32 tuổi, đã nghỉ sinh hơn 1 năm chia sẻ: “Mình làm việc trong ngành truyền thông - sự kiện, nghe thôi là đủ biết việc đã nghỉ 1 năm và có con dưới 3 tuổi là một điểm trừ rất lớn trong CV. Ngay cả khi mình đã có gần 9 năm kinh nghiệm ở các sự kiện lớn nhỏ, việc không thể đi sớm về muộn, “cháy hết sức mình” những lúc chạy event vẫn là bất lợi của khi so sánh với các bạn trẻ ít kinh nghiệm hơn nhưng không gò bó chuyện gia đình, con cái. Tìm việc mãi không được, mình bất đắc dĩ phải chuyển hướng sang bán hàng online. Thu nhập hàng tháng có lúc bằng, lúc hơn khi còn đi làm, không ổn định. Chưa kể cũng phải cắm mặt vào điện thoại 24/7, nhưng phải chấp nhận thôi, vì còn có thể chia sẻ gánh nặng kinh tế với chồng”.
Trăn trở lớn nhất của những người trở lại sau quãng nghỉ dài, phải làm sao để cạnh tranh, có chỗ đứng trong công ty mà không nhất thiết phải "cày ngày cày đêm". Với những bà mẹ đơn thân, chỉ có con cái làm chỗ dựa thì áp lực tìm việc và gánh nặng cơm áo gạo tiền lại nặng nề hơn bội phần.
Hồng Ngọc - mẹ đơn thân 29 tuổi chia sẻ: “Mình xin nghỉ việc ở công ty cũ vì cường độ làm việc quá cao, ngày nào gần như cũng 9-11 tiếng ở công ty, về nhà là mệt lả đi, không còn sức nấu cơm, chơi với con, dạy con học. Nhưng cũng phải 4 tháng ròng rã, mình mới tìm được một công việc mới. Và số tiền tiết kiệm được đã rút hết ra để chi trả cho hai mẹ con trong 4 tháng ấy. Giờ thì mình tìm được một công việc, mức lương chỉ bằng 2/3 lúc trước, nhưng cũng làm 8-9 tiếng/ngày. Tuy nhiên có việc còn hơn không, mình không dám nghỉ nữa".
Người trẻ, mới ra trường không thể đứng vững trước "bão sa thải"
Không có áp lực nuôi con nhưng hội người trẻ đang thất nghiệp cũng chẳng thoát khỏi cảm giác như ngồi trên đống lửa vì chưa tìm được việc làm. Đặc biệt là những bạn trẻ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm “thực chiến” lẫn kỹ năng ứng xử nơi công sở. Họ chẳng những phải cạnh tranh với bạn bè đồng trang lứa mà còn với cả những anh chị đã dày dặn kinh nghiệp nhưng đang rải CV khắp chốn.
Một đặc điểm chung của những người này chính là cảm giác hoang mang. Có người vỡ mộng vì lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống; Có người hoảng sợ vì ngay cả khi đã xác định làm để tích lũy kinh nghiệm, chưa đặt nặng chuyện tiền lương nhưng lại chẳng gặp được leader, người hướng dẫn có tâm. Ra trường với tâm thế hào hứng bước vào thị trường lao động, chưa được bao lâu đã bị dập tắt bởi hiện thực.
Ngọc Minh (22 tuổi, hiện đang là Freelancer) chia sẻ: “Em đang là nhân viên sáng tạo nội dung cho 1 agency quảng cáo. Hồi mới ra trường em cũng loay hoay gần 1 năm mới tìm được việc. Trong 1 năm đó, em tập tành chơi rồi xây kênh TikTok coi như để tích lũy kinh nghiệm, còn có cái mà ghi vào CV. Khi kênh của em bắt đầu “có số má”, em tìm được việc thật”.
Thất nghiệp - nhưng cũng cảnh giác trước những “cú lừa”
Rơi vào tình cảnh thất nghiệp, thiếu thu nhập, chắc hẳn ít người có thể sống thoải mái mà không lo lắng gì. Nhưng cũng là điều dễ hiểu, nếu như trong trường hợp này mà khuyên không lo lắng mới là không hợp lý. Song, cũng đừng vì nóng lòng kiếm việc, kiếm tiền mà bị cuốn vào những vòng xoáy lừa đảo.
Lướt trên các hội nhóm tìm việc, hay trên các phương tiện truyền thông, có cả ngàn bài viết về "lừa đảo việc làm", "công ty quỵt lương". Có người cảnh báo, chia sẻ kinh nghiệm, có cả người đi cầu xin cộng đồng giúp đỡ.
Đối tượng lừa đảo đã lợi dụng nỗi lo lắng của những người đang nóng lòng tìm việc hoặc đang gặp khó khăn về tài chính để đăng tin tuyển dụng với những "việc nhẹ lương cao". Lời mô tả công việc lúc nào cũng vẽ ra khung cảnh màu hồng, nào là được trả lương theo ngày, thu nhập lên cả chục triệu/tháng.
Trong khi đó, cũng có tình trạng những công ty liên tục đăng tin tuyển dụng cho một vị trí, thường xuyên chậm trễ trong việc trả lương cho nhân viên, hay khi nhân viên ý kiến thì lập tức sa thải và đưa ra lý do thiếu thuyết phục. Do đó, trước và khi đã vào làm, hãy luôn trong tâm thế xác minh thông tin xem nơi vừa mời mình nhận việc có phải công ty/doanh nghiệp uy tín, có thường xuyên nợ lương/quỵt lương nhân viên hay không.
Điểm đến chung của nhiều mẹ bỉm, người trẻ là "tự mình xây kênh"
Tâm sự của Thùy Trang, Hồng Ngọc hay Ngọc Minh chỉ là một trong số những dòng tâm sự, trăn trở của các bà mẹ bỉm sữa và không khó tìm được những nội dung chia sẻ tương tự trên nhiều group.
Và dưới sự nở rộ của mạng xã hội, của bán hàng online như hiện nay thì Thùy Trang, Ngọc Minh hay rất nhiều người, vì mãi chẳng tìm được việc nên đã “bén duyên” với TikTok hoặc việc buôn bán online.
Thu Hiền (28 tuổi, Hà Nội) cho hay: “Mình bắt đầu bán quần áo online và xây kênh TikTok phục vụ việc buôn bán từ cách đây hơn 1 năm, cũng vì thất nghiệp. Khoảng 3 tháng đầu, việc buôn bán khá chật vật, có ngày chỉ được 1-2 đơn, thậm chí không đơn nào. Nhưng buôn bán online cần kiên trì, cứ xây kênh, cứ đăng hàng và livestream đều đặn, kiểu gì cũng có ngày ngập mặt in đơn, đóng hàng. Hiện tại, trung bình mỗi ngày mình có khoảng 20 đơn hàng. So với nhiều người, con số này đúng là chưa bằng ai, nhưng ít nhất nó cũng giúp mình có một khoản đủ để trang trải cuộc sống, san sẻ chuyện tài chính với chồng”.
Phải chăng đây cũng là một phần của câu trả lời, tại sao ngày càng xuất hiện các trang gia đình, quay daily vlog một thời gian là chuyển sang bán hàng, chia sẻ chuyện vợ chồng nghỉ việc ở nhà livestream cho các nhãn hàng? Tuy nhiên, kiếm tiền từ mạng xã hội cũng không ít thị phi. Nếu cảm thấy bản thân chưa đủ sẵn sàng để dấn thân vào con đường buôn bán hay tự xây các kênh trong lúc thất nghiệp, hãy tỉnh táo khi nhận các hợp đồng, sản phẩm bán hàng.
Từ những hiện thực khốc liệt của "bão sa thải", cũng là một lời cảnh tỉnh cho chúng ta. Nếu đang có một việc làm với mức lương ổn định hàng tháng, hy vọng bạn sẽ cảm thấy trân trọng và biết rằng mình vẫn may mắn hơn rất nhiều những người đang loay hoay tìm việc ngoài kia.
Còn nếu như chưa đủ may mắn để thoát khỏi cảnh thất nghiệp thì hãy đủ tỉnh táo, lạc quan để sớm vượt qua. Bởi, nếu có đủ kiên nhẫn thì trong thời đại công nghệ, mạng xã hội phát triển như bây giờ, không phải cứ ngồi ở nhà là không thể kiếm ra tiền.