Phim tiểu sử: Từ kinh đô điện ảnh Hollywood nhìn về Việt Nam

Tại thị trường lớn như Bắc Mỹ, thể loại tiểu sử cũng dễ gây tranh cãi, đôi khi bị coi là "dòng phim trung bình, chuyên để câu Oscar." Song qua thời gian, sức hấp dẫn của nó dường như được bảo toàn.

The Social Network, tác phẩm đình đám về sự hình thành của mạng xã hội Facebook. (Ảnh: Sony Pictures)

Sau những tranh cãi xung quanh bộ phim “Em và Trịnh,” thể loại phim tiểu sử dường như được khán giả quan tâm nhiều hơn bao giờ hết.

Để có cái nhìn công bằng hơn với sáng tạo/hư cấu trong điện ảnh, hãy cùng đi từ nền điện ảnh nổi tiếng nhất thế giới - Hollywood, từ đó “soi” vào điện ảnh nước nhà.

Gây tranh cãi nhưng lại là “mỏ vàng”

Con số thống kê cho thấy trong số từ 700-800 phim được sản xuất mỗi năm tại thị trường Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada), số lượng phim tiểu sử (biopic) chỉ chiếm chưa đến 10%. Thế nhưng dự án nào cũng gây chú ý, thu hút không chỉ cộng đồng người hâm mộ của nhân vật được dựng phim, mà còn của những diễn viên được chọn vào vai trên màn ảnh lớn.

Một trong những ví dụ điển hình nhất có lẽ phải kể tới “Mạng xã hội” (The Social Network, 2010) - tác phẩm được “dặm mắm, thêm muối” kể về sự hình thành của Facebook. Trong khi chính “khổ chủ” Mark Zuckerberg tuyên bố “chặn” bộ phim thì hai người đồng sáng lập còn lại của mạng xã hội này cũng khẳng định phim có nhiều tính hư cấu, khác xa sự thật và chỉ mang thuần chất giải trí.

Nhà vật lý học Stephen Hawking, công nương Diana quá cố, vận động viên bóng rổ tài năng Michael Oher ("The blind side," 2009) và hàng loạt nhân vật có thật khác cũng vậy. Những bộ phim về họ đều bị ít nhất một thành viên gia đình, người thân, người có liên quan lên tiếng vì nhiều khắc họa chưa chính xác…

Thực tế này cho thấy mặc dù Hollywood được mệnh danh là kinh đô điện ảnh thế giới, sản sinh ra nhiều phim tiểu sử được chú ý về các nhân vật lịch sử nhiều lĩnh vực và tại nhiều quốc gia, song không phải cứ là nền điện ảnh lớn thì làm gì cũng trơn tru.

Dễ thấy sau mỗi bộ phim tiểu sử, các tờ báo, tạp chí điện ảnh rần rần lên bài so sánh hiện thực và hư cấu. Cùng lúc sẽ có những phản hồi khen, chê từ người hâm mộ, người thân, gia đình của nhân vật được dựng tiểu sử. Ở trường hợp làm phim về người còn sống thì chính “khổ chủ” cũng lên tiếng.

Trong bài viết “Vì sao làm phim tiểu sử hay lại gần như là điều bất khả thi?” (Why it's nearly impossible to make a good biopic?) trên tạp chí Vice.com năm 2017, nhà báo Tari Ngangura cho rằng bước chân vào lãnh địa phim tiểu sử thường có nghĩa là “mở ra một hộp Pandora đầy phức tạp.”

“Nguyên nhân có thể nằm ở diễn viên kém, cách kể chuyện yếu kém hoặc những quan điểm mâu thuẫn về tầm nhìn nghệ thuật,” cô diễn giải.

Phim tieu su: Tu ‘kinh do dien anh’ Hollywood nhin ve Viet Nam hinh anh 1

Nam diễn viên trẻ Austin Butler khuấy động internet về khả năng nhận Oscar sau màn hóa thân thành huyền thoại Rock 'n roll Elvis Presley. (Ảnh: Warner Bros. Pictures)

Thế nhưng cũng không khó để thấy phim tiểu sử thường xuyên nhận đề cử tượng vàng Oscar - thước đo tài năng nghề và ước mơ cả đời của nhiều người. Loạt phim kể trên đều nhận ít nhất một tượng vàng cho diễn viên chính hoặc phim hay nhất, cùng 2-3 đề cử khác cho các diễn viên phụ hoặc đội ngũ hóa trang.

“Muốn giành giải Oscar cho nam diễn viên xuất sắc nhất? Hãy tham gia một phim tiểu sử” - tiêu đề một bài viết trên trang báo chuyên về phim ảnh tại Mỹ The Wrap vào năm 2019 - gián tiếp khẳng định điều này.

Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều trang báo nước ngoài liên tục nhận xét Hollywood đang “phát cuồng” với phim tiểu sử. Năm 2016, tờ Guardian đăng tải bài viết với tiêu đề đầy mỉa mai - “Cơn nghiện phim tiểu sử của Hollywood cần chấm dứt trước khi phim về Madonna ra đời.” Tác giả Stuart Heritage của bài viết đã than phiền: “Đáng lẽ giờ đây, chúng ta đã ngán phim tiểu sử tận cổ rồi. Chúng ra đời quá nhanh và dày, theo công thức và trung bình đến nỗi đã trở thành một dòng phim chuyên để ‘câu’ giải Oscar.”

Dù vậy, xu hướng làm phim tiểu sử dường như không có gì suy chuyển. Không chỉ khán giả, giới phê bình dường như vẫn thích những câu chuyện thú vị về người nổi tiếng.

Theo thống kê của IMDb, lịch sử 94 năm Oscar ghi nhận tổng cộng 480 phim từng nhận đề cử phim hay nhất, trong đó có 108 phim thuộc thể loại tiểu sử (chiếm hơn 1/5) và 16 trong số đó đã giành tượng vàng quý giá. Nhờ vậy, số lượng đề cử và thắng giải cho các diễn viên chính-phụ trong một phim tiểu sử cũng tăng theo.

Từ điện ảnh lớn nhìn về Việt Nam

Tại Việt Nam, dòng phim điện ảnh tiểu sử về nhân vật còn khá mới mẻ. Nguyên Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, ông Vương Tuấn Đức cho rằng Việt Nam không có phim tiểu sử đúng nghĩa, chủ yếu vì chưa đáp ứng về ngôn ngữ điện ảnh (những dụng ý nghệ thuật được lột tả qua diễn xuất, dàn cảnh, ánh sáng, chuyển động…).

Hãng phim hoạt hình Việt Nam (nay là Công ty Cổ phần Hãng phim hoạt hình Việt Nam) hằng năm vẫn có những bộ phim về các truyền thuyết, anh hùng dân tộc như Thánh Gióng, Đinh Bộ Lĩnh... Tuy nhiên, giới chuyên môn đồng tình rằng những bộ phim này phần lớn đều chỉ mang tính minh họa cùng góc nhìn tuyên truyền, tuyên giáo cao nên kém hấp dẫn.

Cây bút điện ảnh, Tiến sỹ Văn học Mai Anh Tuấn (Đại học Văn hóa Hà Nội) cũng nhận định các nhà làm phim Việt Nam vẫn đang làm phim tiểu sử-tài liệu tốt hơn.

Theo ông Tuấn, tại các nước Việt Nam hay Trung Quốc, phim kể về tiểu sử một danh nhân thường dành cho lãnh tụ; trong đó tại Việt Nam có hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được dựng phim nhiều nhất, với 7 phim truyện.

Phim tieu su: Tu ‘kinh do dien anh’ Hollywood nhin ve Viet Nam hinh anh 2

Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Bài Bình (phải) hóa thân Bác Hồ trong ''Người tiên tri.'' (Ảnh: Hãng phim truyện Việt Nam)

Những tác phẩm này nếu phải nhận diện về thể loại, theo ông Vương Đức (đạo diễn của “Nhà tiên tri,” một trong bảy phim truyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trên) chỉ là phim chân dung lịch sử.

Một nhà làm phim kỳ cựu tại Việt Nam nhận xét phim tiểu sử vốn hấp dẫn nhờ những góc khuất, thú vị và đậm chất con người của người nổi tiếng. Vì vậy sẽ rất khó để có được những bộ phim như vậy tại Việt Nam nếu tồn tại những đánh giá thiếu cởi mở, mơ hồ, dễ khép vào “tội danh” xúc phạm và bôi nhọ nhân phẩm người khác.

Nhà làm phim này lấy ví dụ thực tế trong “Tiệc trăng máu.” Hai câu thoại "Ủa, Ngô Thanh Vân nhắn tin cho anh hả!" hay "Đẹp như Ngọc Trinh" cũng khiến ekip phim "gặp khó" khi gửi phim đi thẩm định. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng tiết lộ hội đồng kiểm duyệt yêu cầu ê-kíp phải liên lạc xin ý kiến của Ngô Thanh Vân hay có chữ ký xác nhận của Ngọc Trinh rồi mới được dùng hai cái tên đó.

Biên kịch, nhà làm phim Kay Nguyễn cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng khi đã đạt được thỏa thuận trên cơ sở luật pháp để làm làm phim về một nhân vật có thật, nhà làm phim có cơ sở để không cần quá lo lắng về phản hồi (tiêu cực) của người được mô tả trong phim.

Bên cạnh đó, giới chuyên môn cũng nhìn nhận Việt Nam có rất nhiều nhân vật lịch sử đáng kính, mang theo những câu chuyện thú vị. Vì vậy, sẽ rất tốt nếu có nhiều phim tiểu sử, sử dụng ngôn ngữ điện ảnh về danh nhân Việt Nam. “Nó giống như mượn một câu chuyện nhỏ nói về câu chuyện lớn. Câu chuyện của những người này là vĩ đại và chắc chắn sẽ đi vào lòng người,” Kay Nguyễn kết luận./.

Giới chuyên môn định nghĩa phim tiểu sử là thể loại phim điện ảnh miêu tả cuộc đời của một nhân vật lịch sử, quá khứ hay hiện tại, trong đó tên thật của nhân vật trung tâm được sử dụng, thay vì xây dựng một nhân vật hư cấu nhưng dựa phần lớn trên cuộc đời có thật của ai đó.

Theo Vietnam+