Lan man chuyện nhuận bút báo chí
Nhuận bút có thể được coi như “thực phẩm” của báo chí. Không có nhuận bút, báo chí sẽ chỉ là cơ thể còi cọc. Cũng giống như con người, nhuận bút cũng thịnh suy, thăng trầm…
Thư chuyển tiền nhuận bút của một số tòa soạn báo
Muôn hình vạn trạng
Nhớ ngày bắt đầu có bài đăng báo, nhận được thư mời đến bưu điện lĩnh tiền nhuận bút, không thể tả hết nỗi sung sướng. Đang trưa hè nóng bỏng, tôi đã hăm hở đạp xe lên ủy ban xã, xin chứng nhận là người được lĩnh tiền. Rồi hào hứng tiếp tục đến tận bưu điện huyện, cách nhà chừng mười cây số.
Trước khi phát tiền, nhân viên bưu điện còn hỏi những câu chắc hẳn có tính nghề nghiệp: Anh có biết tiền của ai gửi cho không? Tôi bảo chắc chỉ là tòa báo gửi. Lại hỏi: Vậy có biết báo nào gửi không? Trả lời: Không. Tôi viết nhiều báo lắm. Báo nào trả thì lĩnh.
Về sau, để giảm bớt phiền phức, người lĩnh tiền chỉ cần có thẻ căn cước hoặc giấy tờ tùy thân có dán ảnh là được.
Lại nói, ngày ấy (thế kỷ trước), mỗi thư chuyển tiền cho cộng tác viên có một trang để trống, diện tích 12 x11 cm làm “Phần dành riêng để viết thư”. Thông thường các báo viết vắn tắt vài câu, ghi số tiền bài nào, in trên số nào. Nhưng đặc biệt có tòa soạn viết khá dài, rất tình cảm.
“Kính gửi ông K.H.L. Tòa soạn báo Kinh doanh và Pháp luật xin gửi tới ông và gia đình lời chúc sức khỏe và hạnh phúc đầu năm mới. Tòa soạn mong rằng năm 1997 sẽ nhận được sự cộng tác của ông nhiều hơn nữa. Xin gửi ông nhuận bút 2 bài số tân niên: Hoa ngâu 80.000đ và bài Hình ảnh lái trâu 150.000đ. Trân trọng chào ông".
Lại có những thư chuyển tiền cẩn thận, đến mức yêu cầu tác giả hồi âm: “Kính gửi... Đây là tiền nhuận bút sáng tác lời bài hát “Đất quê hương”. Sau khi nhận được số tiền này, ông nhớ biên thư trả lời cho Phòng dân ca, Ban âm nhạc Đài TNVN (Đài Tiếng nói Việt Nam-PV) biết. Người gửi Thanh Bình”.
Có trường hợp thật hy hữu, là một tờ báo văn nghệ ở phương Nam, đã gửi báo biếu cho tác giả bằng thư bảo đảm. Mở ra bên trong ngoài tờ báo, còn có một phong bì đựng tiền mặt, kèm theo một “Phiếu nhuận bút”, có ký tên, đóng dấu rất nghiêm túc. Đọc dòng chữ trên "Phiếu nhuận bút", người nhận vừa trân trọng, vừa cảm thông: "Kính gửi... Tòa báo chúng tôi đang đứng trước khó khăn gay gắt về mặt tài chính, rất mong tác giả hết sức thông cảm và nhận số tiền nhuận bút có tính tượng trưng này. Kính chào và mong tiếp tục cộng tác. Thay mặt Ban biên tập".
Nhưng có lẽ câu chuyện nhuận bút sau đây còn thú vị hơn. Người viết bài này từng có tác phẩm in trên báo Giải Phóng (cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam). Ngày ấy, giữa hai miền Nam Bắc chưa tiêu tiền chung, nên tòa soạn có thư cho tác giả, thêm dòng tái bút: “Tiền nhuận bút của bạn, tòa soạn vẫn còn giữ, bạn có thể ủy nhiệm người đến lĩnh thay”.
Tôi đã nhờ một người làng công tác tại Sài Gòn lĩnh hộ. Phiếu trả tiền có 20 đồng (tiền Giải Phóng), người bạn ra chợ mua cho vài đồ vật. Phải gần một năm sau, anh nghỉ phép, tôi mới nhận được “quà” nhuận bút. Bây giờ cuộc sống thay đổi không ngừng, hình thức trả nhuận bút cũng thay đổi. Chẳng còn có những thư dài dòng, chẳng phải có giấy mời ra bưu điện lĩnh tiền. Nhà báo có tài khoản ngân hàng riêng, được tòa soạn gửi thẳng vào tài khoản cá nhân.
Mặn nhạt, vơi đầy tiền nhuận bút
"Phiếu nhuận bút" của tạp chí Văn nghệ TP Hồ Chí Minh
In sách báo là có tiền nhuận bút. Vậy mỗi bài được bao nhiêu? Thực khó trả lời. Người nông dân trồng lúa 3-4 tháng mới thu hoạch, mới có tiền. Chị trồng rau cũng phải một tháng mới đến kỳ thu hái. Nhưng vẫn chưa hết, vẫn còn thời vụ, cung cầu, thời giá. Nhuận bút cũng vậy, cũng nhọc nhằn, phấp phỏng đợi chờ. Viết cuốn sách vài ba năm, viết một bài báo cũng hằng tuần, thậm chí hằng tháng mới in, mới có nhuận bút. Đó là chưa kể có tòa soạn “quên”, hoặc có tòa báo lấy cớ đang thay đổi cơ chế, sáp nhập nên chưa được cấp kinh phí, nửa năm chưa trả nhuận bút cho cộng tác viên. Tờ báo nào có số lượng phát hành lớn, quảng cáo nhiều, họ trả nhuận bút cao. Ngược lại tờ báo phát hành số lượng ít, kinh phí bao cấp, thì nhuận bút rất thấp.
Ở Hà Nội, có tờ báo quy định: Các cộng tác viên ở nội thành thủ đô, phải đến tòa soạn nhận báo biếu và nhuận bút. Một lần tôi mở cuốn sổ tìm tên của mình, thấy có những tác giả “số má” với số tiền nhuận bút thật đáng nể, một bài 2-3 triệu. Trong khi đó có những tác giả có nhiều bài chỉ dăm ba trăm nghìn… Cái nhẽ nó thế. Có bài công phu, tài liệu phong phú, chất lượng cao, có sức lan tỏa, tác giả có tên tuổi, vị thế, tòa soạn cho điểm cao, nhuận bút lớn. Còn bài làng nhàng phải thấp hơn…
Năm 1997 nhuận bút một bài thơ 40.000 đồng, năm 20222 đã là 300.000 đồng. Để tiện so sánh và đối chiếu, tôi xin lấy nhuận bút câu đối làm ví dụ: Năm 1999, câu đối được trả 40.000 đồng. Năm 2022, một câu đối thường được trả 300.000 đồng, cá biệt chỉ có 200.000 đồng/một đôi.
Kể như thế, bạn đọc có thể xem nhuận bút trước và sau chênh lệch ra sao.
Nhuận bút làm cho ngòi bút nhuận sắc thêm, tươi tắn thêm, dù ít hay nhiều nhưng nó tạo động lực vô hình. Có người ví von, nó là chất dinh dưỡng của báo chí. Không có, báo chí sẽ chỉ là cơ thể còi cọc.
THIÊN GIA TRANG