Khánh Ly chưa kiện là may
“Em và Trịnh” có cố gắng để kể một câu chuyện ra tấm ra món về nhạc sĩ đã đi vào huyền thoại. Ít ra so với phim ca nhạc “Em còn nhớ hay em đã quên” ra đời hai thập kỷ trước. Phim mới dù đang ăn khách nhưng cũng là cái cớ để nhiều khán giả nhắc lại bộ phim năm cũ với ít nhiều tiếc nuối.
Dù phim của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhẹ phần chuyện nhưng ít ra khắc họa được một chân dung vừa phải về Trịnh Công Sơn và được nhạc sĩ lúc sinh thời dành lời ngợi khen. Vai diễn này cũng giúp Lê Công Tuấn Anh đoạt Bông Sen Vàng 1993. Về độ cẩn thận, “Em còn nhớ…” hơn hẳn “Em và Trịnh” khi thể hiện rõ quan điểm lấy cảm hứng từ nguyên mẫu chứ không định làm phim tiểu sử. Vì vậy Trịnh Công Sơn trở thành Quang Sơn, Khánh Ly thành Huyền My…
Dù đạo diễn “Em và Trịnh” khẳng định phim là “góc nhìn của tôi về bác Sơn, mượn chất liệu về cuộc đời, âm nhạc của nhạc sĩ để chuyển tải thông điệp khác”, dù đầu phim có chạy dòng chữ “phim có nhiều tình tiết hư cấu” đi nữa thì ai ai cũng biết phim làm về các nhân vật có thật và đã quá nổi tiếng là Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. Và rõ ràng phim đang mượn hấp lực của những tiểu sử thật đó để bán vé. Tất nhiên phim có thể chọn cách tôn vinh hay hạ bệ nguyên mẫu. Và phải chịu trách nhiệm về hậu quả mình gây ra.
Phim thuyết phục được đại diện gia đình Trịnh Công Sơn, nhưng đã bị Khánh Ly phản đối kịch liệt. Sáng tạo “đáng kể” của phim là đánh đồng Khánh Ly thành một trong các “em” của Trịnh Công Sơn, tạo nên sự mập mờ về tình cảm giữa hai người, cũng là một cách chiều thị hiếu khán giả. Trong khi thực tế quan hệ của họ cơ bản là cộng sự, thậm chí Khánh Ly còn khẳng định coi Trịnh Công Sơn như bậc cha chú.
Và bà không thể nào có những hành động bằng vai phải lứa hoặc mang tính dọa dẫm như đút sữa chua bắt ông phải ăn (nếu không sẽ không hát cho ông nữa) như phim. Câu thoại “Ăn chung thìa còn không nổi thì làm sao hợp tác đây” phải chăng hứa hẹn sẽ còn phải chung đụng nhiều thứ nữa ngoài âm nhạc?! Phải nói đây là một “dự cảm” sâu cay của phim về đời sống nghệ sĩ. Những người mà theo phim khó có chuyện rạch ròi giữa công việc và tình cảm?! Kiểu như muốn có vai thì phải “chung thìa” với đạo diễn vậy?!
Làm sao Khánh Ly không nổi giận vì chi tiết mà bà dùng nguyên từ là “hạ nhục” Trịnh Công Sơn đó. Và tất nhiên nó cũng đụng chạm chính bà khi đó đã chồng con đề huề. Chưa hết, Khánh Ly (Bùi Lan Hương) vừa nghe Trịnh Công Sơn (Avin Lu) hát dứt bài “Nhìn những mùa thu đi” thì bảo: “Hay thế, anh thó của ông Văn Cao đấy à”. Trịnh Công Sơn trong phim vẫn giữ nguyên nụ cười mơ màng trả lời kiểu: “Thó được thì anh thó ngay”. A hóa ra từ xưa đã có chuyện “đạo nhạc” giữa những cây đa cây đề cũng là bình thường, chẳng đáng bận tâm- phim muốn in vào đầu lớp khán giả sau này suy nghĩ đó chăng?!
Một lần nữa Khánh Ly lại phải dùng cách diễn đạt mạnh: “Ông nội tôi cũng không dám nói với ông Trịnh Công Sơn kiểu đó!”. Từ chi tiết này cũng có khán giả suy diễn phim muốn “định vị” của Trịnh Công Sơn trước Văn Cao. Trịnh Công Sơn đã đạt tới một tầm cỡ hiếm thấy trong âm nhạc và tâm khảm người nghe. Vì thế mà luôn có những lời “dìm hàng” ông (những người này làm như người thích nhạc Trịnh không thính tai bằng họ). Và đây là một cú dìm bằng điện ảnh.
Phim cũng gán cho Trịnh Công Sơn (Trần Lực đóng) một phát ngôn nhớ đời: “Âm nhạc đã bỏ anh rồi” trong cuộc điện đàm với Khánh Ly. Thực tế không có câu đó, Khánh Ly cam đoan. Trịnh Công Sơn lúc đó còn khoe với bà về những giọng ca mới hát nhạc ông là Hồng Nhung, Thanh Hải… Tất nhiên những gì hiện lên phim đều được tính toán kỹ. Và tác giả hoàn toàn có thể sáng tạo. Nhưng sáng tạo ở mức “Em và Trịnh” chắc chưa đủ để người ta “quên” sự thật mà Khánh Ly đang hiện diện sống động.
Những gì Khánh Ly nói lại có giá trị tư liệu giúp công chúng đến gần hơn với sự thật lịch sử, trong khi phim vô tình hoặc cố ý lái khán giả đi xa. Nhưng mới đây lại có ý kiến cho rằng Khánh Ly “hẹp hòi”, “thiếu hiểu biết” về điện ảnh… khi bà chỉ muốn tự bảo vệ bản thân. Họ cho rằng Khánh Ly khôn ngoan thì cứ giữ im lặng mới ngầu... Vì những phát ngôn của bà làm ảnh hưởng đến hình tượng mà Bùi Lan Hương dựng lên đang được tán thưởng.
Trước một bộ phim tất sẽ có những khen chê về nhân vật, diễn xuất… Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên đối tượng bị chê lại là nguyên mẫu. Kiểu tại sao anh/chị lại không “giả” được như phim và phải cảm thấy vui khi hình ảnh của mình đã bị bóp méo thành công trên màn ảnh chứ?!
Theo luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn Luật sư Hà Nội), Khánh Ly hoàn toàn có thể kiện nếu bà cho rằng các tình tiết trên đây làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, danh dự, nhân phẩm và uy tín của bà: “Hơn nữa, việc thu thập, lưu trữ và sử dụng các thông tin cá nhân và về đời tư của bất cứ ai cũng cần phải được người đó đồng ý. Nếu đơn vị sản xuất phim không xin phép Khánh Ly mà tự tiện thu thập và sử dụng thì đó là hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền về đời sống riêng tư của Khánh Ly”.
Khánh Ly mới nói để giải tỏa bức xúc chứ chưa có biện pháp gì hơn để bảo vệ bản thân đã là một điều may mắn cho phim. Chưa kể một thực tế: sự bất bình của bà cũng góp phần khiến phim được chú ý và bán được nhiều vé hơn.
Theo VTC