Chờ ăn cỗ, được một bài báo xúc động
Ông Nguyễn Văn Thịnh bên tấm bia tưởng nhớ các liệt sĩ do chính tay ông dựng
Một lần tôi về quê ăn giỗ. Ở quê khi nhà có giỗ thường là thắp hương cúng lễ rồi phải chờ đợi khách, khoảng trưa mới bưng mâm cỗ ra. Cũng thời gian chờ đợi ấy, tôi nhẩn nha đi chơi xung quanh thăm người quen, phong cảnh xóm làng. Cuối cùng bước chân đưa tôi tới bờ sông Kinh Thầy (địa phận Bến Bình, xã Đồng Lạc, Chí Linh). Một cảnh sông nước nên thơ hiện ra trước mắt, gió man mác từ ngoài sông thổi về mát rượi. Dưới tán cây xanh, trên khoảng đất trống có một ông già trạc gần 80 tuổi đang thấp thoáng lau chùi, sửa sang những tấm bia. Tò mò, tôi đến gần hỏi chuyện. Ông già hào hứng nhận mình là người trông điếm canh đê cho xã, lại nhận trồng tre chắn sóng bảo vệ đê. Ông kể rằng, ngày mới 8- 9 tuổi đã một lần theo mẹ ra đây và chứng kiến cảnh tượng bi hùng suốt đời không quên được. Ấy là những năm đầu chống Pháp, chiếc ca nô chở lính Tây đi từ Hải Phòng đến khúc sông Bến Bình, thì bị một trung đội Việt Minh, phục kích đánh chặn. Trận chiến không cân sức, hơn bốn chục chiến sĩ đã hy sinh nằm rải rác ven đê. Ngày hòa bình lập lại (năm 1954-1955), chính quyền địa phương tổ chức tìm hài cốt liệt sĩ đưa về trong làng an táng, xây thành nghĩa trang liệt sĩ vô danh. Nhiều đêm nghe gió thổi vi vu, như có tiếng gọi của con người từ xa, vọng lên từ dòng sông. Ông già canh điếm nghĩ đến các liệt sĩ, tự nhủ lòng phải dựng tấm bia để ghi nhớ. Ông gom nhặt từng mẩu gạch vỡ, vào làng mua vôi, ra sông xúc cát, gánh nước. Những đồng tiền bán tỉa những cây tre còng, mớ rau, hạt đỗ trồng xen kẽ dành dụm, đem ra mua thêm ít gạch, xi măng… Ông cặm cụi xây bia, lập ban thờ chung cho các chiến sĩ vô danh. Tuần rằm thắp nhang tưởng nhớ. Ông già ấy là cựu chiến binh Nguyễn Văn Thịnh, ở làng Trụ Thượng, từng tham gia bộ đội chống Mỹ, năm 1972 phục viên. Sau nhiều năm tham gia công tác ở xã, cuối cùng ông xin nhận canh điếm. Những chi tiết sinh động ấy, với những hiện vật đang hiện ra trước mắt và cuộc đời nhân vật, đã rất nhanh chóng hình thành bài bút ký trong tôi. Tác phẩm được đăng trên tờ Hải Dương cuối tuần với cái tít khá giản dị “Như có tiếng vọng từ dòng sông”. Quả thực câu chuyện đã lay động trái tim con người, nhưng chưa được lan tỏa rộng. Thật may, đúng lúc ấy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương cho biết năm 2016 Bộ Quốc phòng có tổ chức Liên hoan truyền hình toàn quân lần thứ XI tại Nha Trang. Thế là câu chuyện người dựng bia bên sông Kinh Thầy được một lần nữa gia công sáng tạo, chuyển thể thành kịch bản mang màu sắc phóng sự truyền hình với tiêu đề “Chuyện bên sông Kinh Thầy”. Thể loại phóng sự truyền hình quý nhất là tính chân thực. Chúng tôi không chỉ phỏng vấn nhân vật, ghi lại những suy nghĩ và tình cảm của ông Thịnh trong mỗi việc làm, mà còn tìm đến phỏng vấn cán bộ lãnh đạo địa phương và dân làng trước tấm lòng của ông Thịnh đã lan tỏa ra cộng đồng xã hội thế nào. Câu chuyện có sức truyền cảm, lay động đến trái tim của nhiều người. Phóng sự truyền hình “Chuyện bên sông Kinh Thầy” được huy chương vàng, phát sóng quốc gia, có sức lan tỏa rộng. Tôi nghiệm ra một điều: Xung quanh ta, giữa cuộc sống bộn bề hôm nay vẫn có nhiều tấm gương người tốt cần khai thác, cần truyền thông lan toả để “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
KHÚC HÀ LINH