“Bách khoa thư” tri thức về TP Hải Dương

Bộ sách phát hành năm 2013, được lưu giữ tại Thư viện tỉnh.

Cuốn sách “Địa chí TP Hải Dương” có lượng thông tin phong phú, hấp dẫn, được lưu trữ tại Thư viện tỉnh

Từng là “phên dậu phía đông” của kinh thành Thăng Long với hơn 200 năm hình thành và phát triển, TP Hải Dương có bề dày lịch sử và những giá trị văn hóa đặc sắc, nay đã vươn mình thành một trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.  Bộ sách “Địa chí TP Hải Dương” gồm 2 tập là cuốn “bách khoa thư” tri thức về vùng đất này. “Du hành” qua từng trang sách, độc giả không chỉ khám phá ra đây là vùng đất đã sinh ra những người con ưu tú của đất nước như Trần Công Hiến, Lương Như Hộc, Nguyễn Trác Luân, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Thượng Mẫn, Đặng Quốc Trinh… mà còn có những làng nghề từng nức tiếng như khắc in mộc bản Hồng Lục, khắc in Liễu Tràng, cốm làng Thạc, mộc Đức Minh, mộc Nguyễn Xá, bánh đa Lộ Cương, các nghề thủ công truyền thống như sản xuất bánh đậu xanh, bánh gai, nem chua “Con Công”… Trấn thành Hải Dương, nơi hình thành TP Hải Dương hiện nay được bắt đầu xây dựng từ năm 1804 khi vua Gia Long cho di chuyển lỵ sở từ Mao Điền về địa điểm hiện nay. Từ một vùng đất thấp nhiều ao hồ, thường xuyên bị thiên tai, giặc ngoại xâm chiếm đóng và tàn phá, TP Hải Dương đã phát triển nhanh chóng, trở thành đô thị loại II, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh. Nhằm giới thiệu nguồn tư liệu đầy đủ, phong phú cho các nhà nghiên cứu, quản lý và nhân dân cả nước cũng như quảng bá hình ảnh quê hương, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, Thành ủy Hải Dương đã tổ chức thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu, biên tập Địa chí TP Hải Dương”, trên cơ sở đó biên soạn bộ sách “Địa chí TP Hải Dương”, phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản bộ sách này. Để bạn đọc thuận tiện theo dõi, tra cứu, nội dung bộ sách được nhóm biên soạn chia thành 2 tập với tổng số 17 chương. Tập 1 từ chương I đến chươngVIII giới thiệu khái quát về địa lý, hành chính, các đại lộ, đường phố, quảng trường, quá trình phát triển không gian đô thị của thành phố. Tập này cũng thông tin về quá trình phát triển của một số ngành kinh tế quan trọng như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, giao thông, xây dựng và kiến trúc. Tập II từ chương IX đến chương XVII giới thiệu về lịch sử thành phố từ trước Công nguyên, qua các thời kỳ phong kiến, kháng chiến chống Pháp, Mỹ và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội sau khi đất nước thống nhất; các lĩnh vực xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, thể thao…  

BÌNH AN