Tại sao bị nghi trộm đồ lại thành bị hiếp dâm?
Tin giả hậu quả thật
Câu chuyện bắt đầu từ việc một nữ sinh đang học quốc phòng tại Trường Quân sự Quân khu 7 bị các bạn cùng phòng nghi trộm đồ, trở nên kích động, la hét và bỏ chạy ra ngoài. Một bạn ở nhà đối diện quay được cảnh này, nói với bạn bên cạnh là "Bị hiếp dâm à?". Rồi việc này nhanh chóng được biến thành chuyện 2 nữ sinh bị hiếp dâm, phải tự tử, cùng với clip được cắt ghép, chỉnh sửa, đã lan đi với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay cần nhìn nhận rõ những nguy hại của tin giả.
“Thông tin bịa đặt, còn gọi là Fake News, đã xuất hiện từ lâu trong đời sống xã hội, tuy nhiên, với đặc tính dễ ẩn danh, lan truyền nhanh, không gian mạng đã trở thành môi trường thuận lợi cho việc phát tán tin giả, tin sai sự thật. Việc chia sẻ, bình luận, bày tỏ cảm xúc trên mạng xã hội quá dễ dàng và không có sự kiểm duyệt càng làm cho tin giả lan truyền với tốc độ chóng mặt, đến mức, thuật ngữ Fake news đã từng là từ được tìm kiếm nhiều nhất”.
Theo bà Hương, tin giả là những tin chứa nội dung không chính xác, không được kiểm chứng, thông tin dễ gây hiểu nhầm, thường hàm chứa sự ly kỳ, gây shock, dễ đánh vào xúc cảm, tâm lý của người tiếp nhận thông tin. Tin tức giả thường được nguỵ trang bởi những tình tiết như thật, chẳng hạn cũng có đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm. Thậm chí, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, còn có thể có những clip cắt ghép, hình ảnh dàn dựng để người đọc “tưởng thật”, với mục đích chính trị, kinh tế, hay nhằm hạ uy tín của cá nhân, tổ chức, hoặc có khi chỉ đơn giản nhằm tăng tương tác trên mạng.
“Tin giả là những câu chuyện không có thật, nhưng gây hậu quả thật. Tin giả không chỉ gây tổn hại về uy tín, danh dự của các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan, không chỉ gây thiệt hại về tài chính, kinh tế, mà còn có những tác động tiêu cực đến tâm trạng xã hội.
Người đọc chịu tác động trực tiếp của tin giả, dẫn đến những cảm xúc tiêu cực buồn phiền, tức giận, phẫn nộ… mất niềm tin vào những giá trị tốt đẹp mà họ hằng tin tưởng, mất niềm tin vào các cá nhân, cơ quan, tổ chức bị bêu danh trong tin tức không kiểm chứng, không có thật”.
Thậm chí, bà Hương cho hay, ngay cả khi phát hiện đã tin nhầm vào Fake news, cảm xúc và tâm trạng của người đọc, người nghe, người xem vẫn là cảm xúc tiêu cực, gia tăng hoài nghi, bào mòn niềm tin với các nền tảng truyền thông xã hội, đối với các kênh thông tin vẫn tương tác trước nay.
“Xã hội tồn tại nhờ niềm tin và phát triển nhờ khoa học. Niềm tin đóng vai trò quan trọng, vì niềm tin gắn kết con người trong xã hội, nuôi dưỡng cảm giác an toàn, tin cậy giúp con người trở nên chân thành hơn, có tư duy tích cực, tự tin hơn, khích lệ cảm xúc lạc quan để phấn chấn, vững vàng hơn.
Tin giả không chỉ ảnh hưởng tới một cá nhân, cơ quan, tổ chức cụ thể, mà thực tế, còn tạo nên tâm lý hoang mang, mất niềm tin giữa con người với con người, mất niềm tin giữa con người với các chế định xã hội đã tạo nên”, bà Hương nói.
Cần minh bạch để không còn "võ đoán"
TS Nguyễn Phương Mai (nhà nghiên cứu ngành Khoa học thần kinh ứng dụng tại Hà Lan) cho rằng sự thiếu minh bạch cũng tạo nên những nghi ngờ, và thậm chí là căn nguyên của những “võ đoán” trong xã hội. “Võ đoán có thể tạo ra những câu chuyện xa rời sự thật nhất. Việc mất lòng tin sẽ khiến kể cả khi chính người trong cuộc lên tiếng thì dư luận, mọi người vẫn có thể nghi ngờ rằng nạn nhân đã bị thao túng”.
Để tránh sự việc tương tự, TS Nguyễn Phương Mai cho rằng “minh bạch là điều cần thiết để thể hiện sự công minh".
“Minh bạch là khi không xuất hiện các lời khuyên và yêu cầu phải bảo vệ uy tín, phải giữ danh dự cho một tổ chức nào đó.
Minh bạch đôi khi cần có một cuộc điều tra do bên thứ ba đảm nhiệm để thu thập bằng chứng, rút kinh nghiệm, tìm giải pháp và công khai với dư luận. Đó là một văn hoá, một quá trình nhận thức và một chuỗi hành động từ cả người dân và chính quyền.
Rất mong các cơ quan chức năng cân nhắc hơn trong cách giải quyết các vụ việc và dần xây dựng một nền văn hoá minh bạch để tạo lòng tin cho xã hội”, bà Mai nói.
Cũng theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, tin giả ngày càng được tạo ra bằng nhiều phương thức tinh vi. Vì vậy, người đọc cần năng cao năng lực truyền thông, theo nghĩa, cần có kiến thức cần thiết để chắt lọc, chọn lọc thông tin và bảo vệ chính mình khỏi những “bẫy” tin giả trên mạng.
“Người đọc cần cẩn trọng xem xét các nguồn tin từ những website không rõ nguồn gốc, hoặc những tài khoản ít tương tác, ít bạn bè chung. Cần đối chiếu với báo chí để kiểm chứng thông tin, suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ, đăng tải, hoặc bình luận video, hình ảnh, tin tức chưa kiểm chứng trên mạng xã hội.
Vì pháp luật đã có nhiều quy định cụ thể để xử lý các hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng, từ hành chính cho đến truy cứu trách nhiệm hình sự, TS Hương khuyến cáo.