Phụ huynh có được 'giữ hộ' tiền mừng tuổi Tết của con cái?
Hồng bao (yasuiqian) được tặng vào một số dịp quan trọng như Tết Nguyên đán, sinh nhật và đám cưới ở Trung Quốc và một số nước châu Á khác như một cách để gửi gắm những lời chúc tốt đẹp.
Hồng bao - phong bì đỏ - là một món quà bằng tiền được nhét vào một túi giấy màu đỏ được trang trí công phu. Việc tặng hồng bao với chức năng tượng trưng là trấn áp ma quỷ và giữ an toàn cho trẻ em trong năm mới là một truyền thống lâu đời ở Trung Quốc. |
Trong hầu hết các gia đình, các hồng bao được trao cho trẻ em trên mặt danh nghĩa, nhưng cha mẹ sẽ giữ số tiền đó để "bù trừ" cho số tiền đã đưa cho con cái người khác.
"Hồng bao của con là của chúng tôi..."
Tuy nhiên, Tòa án Nhân dân Cấp cao của tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, đã đăng một số vụ kiện trên mạng xã hội, trong đó chỉ rõ rằng về mặt pháp lý, trẻ em được quyền sở hữu tiền lì xì của chúng.
Theo đó, một người phụ nữ họ Shi đã quyết định lấy lại số tiền hồng bao tổng trị giá 45.000 nhân dân tệ (hơn 155 triệu VNĐ) mà bà đã tặng cháu nội 11 tuổi Taotao trong nhiều năm, bởi cha mẹ của Taotao ly hôn và Taotao dọn đến ở với mẹ.
Tuy nhiên, một thẩm phán đã yêu cầu bà Shi trả lại số tiền đó. Tòa cũng chỉ ra rằng bà thường gửi tiền tiết kiệm sau dịp Tết Nguyên Đán hàng năm và do đó, đây chắc chắn là tiền mừng tuổi của Taotao.
Trong trường hợp khác, một sinh viên ở tỉnh Vân Nam, phía Tây Nam Trung Quốc, kiện chính cha mẹ đã ly dị của mình vì từ chối trả học phí đại học cho cô. Cô yêu cầu cha mẹ trả lại số tiền hồng bao tổng cộng 58.000 nhân dân tệ (hơn 200 triệu VNĐ).
Sau khi thẩm phán hòa giải, cha mẹ cô đã đồng ý trả 1.500 nhân dân tệ (5 triệu VNĐ)/tháng để trang trải học phí và sinh hoạt phí cho đến khi cô tốt nghiệp.
Hai vụ việc trên khiến nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc bất ngờ.
Hua Yanrong, mẹ của một cậu bé 15 tuổi, nói rằng cô ấy nghĩ những phán quyết như vậy chỉ có ý nghĩa đối với những gia đình đã ly hôn.
Con trai cô thường nhận được hơn 10.000 nhân dân tệ (35 triệu VNĐ) tiền hồng bao trong Lễ năm mới. Điều đó có nghĩa là vợ chồng cô cũng cho đi một số tiền tương tự cho con cái của người khác.
“Đây là sự có đi có lại. Tôi luôn nhắc nhở con trai mình rằng hồng bao của nó là của chúng tôi, mặc dù chúng tôi cho nó quyền tiêu xài tùy thích”, cô Hua nói.
Cha mẹ biển thủ tiền lì xì của con là vi phạm pháp luật
Mặc dù luật của Trung Quốc không đề cập đến thuật ngữ "hồng bao" trong bất kỳ điều luật nào. Tuy vậy, Tòa án Nhân dân Cấp cao Sơn Đông giải thích rằng việc đưa hồng bao giống như việc chuyển tài sản của một người cho người khác theo “hợp đồng tặng phẩm”- được quy định và điều chỉnh bởi Luật Hợp đồng của Trung Quốc.
Ngoài ra, cha mẹ chỉ có thể giúp trẻ cất giữ hoặc thanh lý tài sản vì lợi ích của trẻ. Việc cha mẹ biển thủ tiền lì xì của con là vi phạm pháp luật.
“Chắc chắn hồng bao là tài sản riêng của bọn trẻ”, tòa viết, mặc dù nói rằng cha mẹ có thể chi tiền để mua bảo hiểm hoặc các khóa học ngoại khóa cho các con.
"Mùa xuân - mùa của cướp bóc"
Dữ liệu từ một ứng dụng tài chính cá nhân Trung Quốc cho thấy số tiền lì xì khác nhau tại các khu vực. Ở tỉnh Phúc Kiến phía Đông Trung Quốc, bao lì xì trung bình chứa 3.500 nhân dân tệ (12 triệu VNĐ), cao nhất trong cả nước.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã ngay sau đó bình luận rằng việc tặng hồng bao đã mất đi ý nghĩa ban đầu vì giờ đây nó mang đầy sự so sánh. “Một số người coi Lễ hội mùa xuân là 'mùa của cướp bóc' (spring robbery) do gánh nặng về số tiền các gia đình phải 'cho đi' trong năm mới”.
So với phần còn lại của đất nước, hồng bao trung bình ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, là thấp nhất với 50 nhân dân tệ (170 nghìn VNĐ).
"Đối với chúng tôi, mục đích của việc tặng bao lì xì là để cầu hạnh phúc và may mắn - một cách để tăng cường mối quan hệ giữa các cá nhân", Zhang Ming, người Quảng Châu, phát hàng chục bao lì xì 50 nhân dân tệ trong Lễ hội mùa xuân, cho biết.
Bảo Huy