Liên tiếp trẻ gặp nạn: Vì sao dạy kỹ năng sống chưa hiệu quả?
Những ngày qua, liên tiếp xảy ra những vụ mất an toàn với trẻ khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa. Một câu hỏi được đặt ra là chương trình sách giáo khoa hiện nay đã có nội dung về kỹ năng sống đủ để giúp trẻ nhận diện nguy cơ thiếu an toàn hay chưa.
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ÐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Khi tham gia viết sách giáo dục công dân cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi đã đưa vào các nội dung liên quan đến việc bảo vệ an toàn cho trẻ trước nguy cơ tai nạn thương tích. Các nội dung hướng dẫn trẻ hình thành kỹ năng nhận diện nguy cơ té ngã, tụt hố, đuối nước... đã được đề cập đến.
Tuy nhiên, có thể cách thức chúng ta dạy chưa đa dạng và cách triển khai ở trường học còn thiếu bài bản nên đa phần trẻ chỉ học lý thuyết mà chưa biết cách biến lý thuyết thành năng lực thực tế”.
Chính vì thế, theo PGS.TS Trần Thành Nam, về phía nhà trường, yêu cầu đặt ra là các hoạt động dạy học phải sáng tạo, dạy học theo phương pháp mới, chú trọng các hoạt động trải nghiệm chứ không phải chỉ dạy lý thuyết kiểu đọc-chép, có như vậy mới giúp trẻ hình thành được năng lực hành động.
Một hạn chế hiện nay của việc dạy kỹ năng sống, kỹ năng nhận diện nguy cơ thiếu an toàn với trẻ, theo PGS.TS Trần Thành Nam, là nhiều giáo viên không biết kiểm soát cảm xúc của bản thân, dạy theo kinh nghiệm chứ không dạy theo quy trình hình thành kỹ năng.
“Nếu thầy cô chỉ dạy một cách lý thuyết, không tạo điều kiện cho các em thực hành thì không thể giúp các em có năng lực nhận diện tình huống nguy hiểm và sẽ vẫn tồn tại những câu chuyện đáng tiếc và đau lòng như vừa qua”, PGS.TS Trần Thành Nam nhận định.
Ngoài nhà trường, chúng ta thấy một phần trách nhiệm từ phía gia đình, nghĩa là đối với những đứa trẻ trong độ tuổi nhất định, bố mẹ phải để mắt đến con để đảm bảo rằng con chơi trong không gian an toàn.
“Bản thân người lớn phải có ý thức trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ. Không thể để một đứa bé tự chơi trong không gian đang thi công cầu, cống, nhất là khi cống còn chưa được đóng nắp. Chính người lớn cũng chưa có đủ phương pháp để đảm bảo an toàn cho trẻ trong môi trường hàng ngày”, PGS.TS Trần Thành Nam nêu.
Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, để giảm thiểu tối đa nguy cơ mất an toàn với trẻ, các đơn vị thi công bắt buộc phải có những quy định nghiêm ngặt về an toàn lao động, phải có dấu hiệu cảnh báo, bảo vệ cho cộng đồng. Chúng ta không thể chấp nhận cách làm việc mà tạo nguy cơ nguy hiểm cho cộng đồng.
Cùng quan điểm, thầy Trần Đức Ngọc - Hiệu trưởng THPT Lê Quý Đôn (Hải Phòng) - cho rằng trách nhiệm của nhà trường là phải giảng dạy kỹ năng cho học sinh và quan tâm nhiều hơn nữa đến các hoạt động trải nghiệm.
“Hiện nay, nhiều trường dạy nặng kiến thức lý thuyết, dạy hình thức, nhất là ở vùng nông thôn. Cũng có tình trạng nhà trường đang coi nhẹ việc dạy kỹ năng sống, kỹ năng tồn tại cho học sinh.
Tôi cho rằng điều này phải thay đổi, vì nhồi nhét lý thuyết mà không biến lý thuyết thành hành động thì giáo dục chưa hoàn thành được mục tiêu.
Do đó, cần dành điều kiện cơ sở vật chất cũng như tài chính đầu tư dạy kỹ năng cho học trò để hạn chế những câu chuyện đáng tiếc như vừa qua”, thầy Ngọc nói.