Học sinh yêu sớm: Giáo viên băn khoăn ‘phanh phui’ hay ‘mặc kệ’
Mặc dù có hàng chục năm đứng trên bục giảng, nhưng việc xử lý các ca học sinh yêu sớm vẫn khiến không ít thầy cô đau đầu vì mỗi em là một tính cách khác biệt.
“Mềm” không xong, giáo viên tính chuyện xử “rắn”
Cô giáo Lương Thu Thủy - giáo viên trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) - chia sẻ việc nảy sinh tình cảm khác giới ở các em học sinh THCS hiện nay khá phổ biến.
“Theo tôi, điều này vừa xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, vừa do ảnh hưởng của các sản phẩm văn hoá không lành mạnh mà các em rất dễ dàng tiếp cận như hiện nay”.
Là giáo viên chủ nhiệm nhiều năm, cô Thủy đã nhiều lần phải giải quyết những vụ việc học sinh yêu sớm.
Có trường hợp cô từng rất trăn trở - của H. và A. khi hai em này học lớp 9.
Ban đầu chưa có biểu hiện gì đáng phải nói nhưng dần dần, hai em thể hiện tình cảm công khai trước lớp như nắm tay hay xin đổi chỗ để được ngồi cạnh nhau... Và điều quan trọng hơn nữa là từ những học sinh có học lực khá, giỏi, hai em đều học hành sa sút.
“Đây là năm học cuối cấp, việc học tập chăm chỉ sẽ quyết định tương lai 3 năm học tiếp theo của các em nên tôi thực sự lo lắng. Tôi cố tìm cách giải quyết tình huống này một cách mềm mỏng, khuyên bảo các em nên tập trung vào việc học nhưng không mang lại hiệu quả”.
Điều đó khiến cô Thủy từng nghĩ “mềm không được thì rắn, hay tìm cách phanh phui, nhắc nhở một cách gay gắt trước lớp...”.
Cũng có người bảo “kệ tụi trẻ đi”, nhưng ngẫm kỹ, với tư cách là giáo viên chủ nhiệm, cô Thủy thấy mình không thể ngoảnh mặt làm ngơ, coi như không biết gì…
Cô Vũ Thị Thúy Anh - giáo viên Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) – cũng khẳng định việc học sinh cấp 2 thích bạn khác giới không còn quá hiếm như trước đây.
“Thật sự là rất nhiều học sinh có tình cảm với bạn khác giới. Lúc đầu, tình cảm có thể đến từ sự ngưỡng mộ trong học tập rồi đến thích nhau, thậm chí yêu nhau”.
Nhớ về trường hợp một nữ sinh lớp 8 thích một nam sinh lớp 9, cô Thúy Anh kể: “Hai em này chủ yếu nhắn tin cho nhau và luôn đặt việc trò chuyện cùng nhau ở vị trí ưu tiên, quên cả học. Vậy nên sau một thời gian yêu đương, kết quả học hành của hai em sa sút hẳn”.
Người lớn phải khiến trẻ tin cậy
Cô giáo tiểu học Thanh Hà (Quận 10, TP.HCM) nhận xét học sinh bây giờ lớn sớm hơn các thế hệ anh, chị khá nhiều. Rất nhiều học sinh nữ dậy thì từ khi học lớp 5, thậm chí lớp 4. Do đó, chuyện tình cảm với bạn khác giới của các em, dù chưa nhiều ở bậc tiểu học, không còn có thể “cười xòa, cho qua” như trước đây, mà cần được nhìn nhận nghiêm túc hơn.
“Tuy nhiên, do các em ở tuổi này rất dễ xấu hổ khi bị bạn bè trêu hay ấm ức khi bị thầy cô, bố mẹ mắng nên người lớn cần khéo léo gợi chuyện để có cách xử lý phù hợp”.
Còn theo cô Thúy Anh, học sinh từ 12-17 tuổi phát triển rất nhanh về thể chất, tinh thần. Ngoài ra, cảm xúc thay đổi rất mạnh nhưng kinh nghiệm chưa có, nếu bị ngăn cấm hay nói nặng thì kết quả sẽ ngược lại với mong muốn của người lớn.
“Chính vì thế, theo tôi, nếu giáo viên hay phụ huynh cấm các em thích nhau thì ngay lập tức sẽ phản tác dụng. Thay vào đó, người lớn cùng định hướng, lắng nghe để các con chia sẻ chứ đừng áp đặt. Hãy để các em hiểu bố mẹ, nhà trường là bến đậu an toàn, qua đó cung cấp kiến thức phòng thân cho các con”.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Lương Thu Thủy cho rằng càng cấm cản thì các em càng tìm cách "rút lui về hoạt động bí mật".
Với câu chuyện của H. và A., sau nhiều cân nhắc, cô Thủy chọn cách tế nhị trao đổi với phụ huynh và định hướng cho các con theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.
Đồng thời, cô gặp riêng từng học sinh, nói chuyện, lắng nghe tâm sự cũng như phân tích cho các em hiểu những tác động tiêu cực của việc yêu sớm.
“Tôi động viên cả hai em hãy cùng phấn đấu học tập, thi đỗ vào ngôi trường cấp 3 mơ ước. Bởi theo tôi, các em đều có tâm lý khi mình học giỏi thì hình ảnh trong mắt bạn kia sẽ càng đẹp và đáng nể hơn.
Tôi cũng kể những câu chuyện "cảm nắng" thuở học trò mình đã trải qua để các em thấy sự cảm thông, không cấm đoán hay lên án gì. Chỉ có điều, tôi mong các em giữ một tình cảm trong sáng tuổi học trò, động viên nhau học tập tiến bộ thì tình cảm mới càng lâu bền và có ý nghĩa”.
Với sự tế nhị và chân thành, cô Thủy đã thuyết phục được học trò trở lại phiên bản tốt nhất của chính mình và tốt nhất cho tương lai. H. và A. đã cùng đỗ vào những trường cấp 3 top đầu của Hà Nội.
Chuyện yêu khi còn ngồi trên ghế nhà trường tưởng đã quá quen thuộc nhưng vẫn luôn là vấn đề mới mẻ với mỗi thế hệ học trò. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và đổi thay của đời sống xã hội, điều dễ thấy - đặc biệt và với các bậc phụ huynh - là ấn tượng về tình yêu học trò bây giờ không còn vẻ lung linh, lãng mạn mà lại nghiêng về chiều hướng “nguy hiểm”. Báo VietNamNet thực hiện loạt bài về hiện tượng đang được coi như "sóng ngầm" trong không ít gia đình và lớp học hiện nay. Trân trọng mời độc giả tham gia đóng góp. Ý kiến xin gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn. |