Một học sinh lớp 3 của Trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) sau khi nhặt được thuốc lá điện tử đã mang đến lớp. Một số em sau đó đã tò mò hút thử.
Sự việc được bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Liệt xác nhận với VietNamNet sáng nay.
Cụ thể, theo bà Hạnh, ngày 5/12, 1 học sinh lớp 3A2 nhặt được thuốc lá điện tử và mang đến lớp.
Sau khi ăn bán trú, trong lúc nghỉ giải lao chuẩn bị đi ngủ trưa, một số học sinh cùng lớp tò mò dùng thử hoặc hít phải khói thuốc nên có dấu hiệu buồn nôn.
Khoảng 12h30, nhà trường phát hiện nên cho các em xuống phòng y tế.
Sau đó, nhà trường đã mời phụ huynh cùng lãnh đạo trường đưa các bé dùng thử và hít phải khói thuốc bị buồn nôn, đến bệnh viện Bạch Mai khám.
Bà Hạnh cho hay, nhà trường đã cho 8 học sinh đến viện khám. Trong số này, có 5 em kiểm tra kỹ gồm 1 em hút thử, 4 em nói cho thuốc lá vào miệng ngậm; 3 em còn lại khi đến bác sĩ kiểm tra thì không còn dấu hiệu như các em nói ban đầu.
“Khi các con có biểu hiện buồn nôn, chúng tôi đã cho các con lên viện kiểm tra. Chúng tôi cũng gọi phụ huynh để theo dõi việc kiểm tra cùng với nhà trường. Sau khi khám xong, bác sĩ đã cho tất cả các con về nhà”, bà Hạnh nói.
Bà Hạnh thông tin, qua sự việc này, nhà trường cũng rút kinh nghiệm, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử tới tất cả học sinh; kiểm soát chặt chẽ các con hơn khi ở trường.
Đồng thời, trường tiếp tục phối hợp với phụ huynh tuyên truyền, hướng dẫn và làm gương không cho con nghịch và mang thuốc lá điện tử hay các vật, chất không an toàn tới trường.
Nhà trường cũng bày tỏ mong mỏi các phụ huynh cùng chia sẻ với trường, quan tâm hơn nữa tới các con, để các con đến trường được an toàn nhất.
Chia sẻ với VietNamNet, TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục tiểu học cho hay, hiện, các trường và gia đình thường chủ quan rằng thuốc lá điện tử là khái niệm hoàn toàn xa lạ với trẻ nhỏ. Vì thế, khi xảy ra các sự việc, ngay cả giáo viên cũng không chắc về triệu chứng và cách xử lý cho phù hợp.
“Thực tế, bản thân tôi biết về thực trạng này từ khá lâu và cũng đã lên tiếng cảnh báo liên tục đến các phụ huynh, học sinh và xã hội thời gian qua. Tuy nhiên, điều đáng ngại là mọi người khá thờ ơ. Điều tôi lo ngại nhất là sự lan truyền thuốc lá điện tử và các loại ma túy xuất hiện trong thuốc lá điện tử nhanh hơn quá nhiều so với khả năng phòng chống và ứng phó của xã hội.
Khi chúng ta còn thờ ơ, coi là việc của người khác thuốc lá điện tử đã tàn phá giới trẻ khá nghiêm trọng rồi. Ở cấp THCS, THPT, tỉ lệ trẻ sử dụng thuốc lá điện tử tăng nhanh đã là vấn đề, nhưng giờ đây, đã manh nha lan xuống cấp tiểu học. Đừng để khi các trào lưu xấu lan đến từng gia đình thì chúng ta mới giật mình và phản ứng”.
Bà Hương lưu ý, ngoài “học chữ”, việc giáo dục đạo đức, nhân cách của trẻ ở nhiều gia đình bị coi nhẹ quá mức, thậm chí không để ý. “Không được sử dụng đồ của người khác là một trong những phần kiến thức mà cha mẹ cần giáo dục con, nhưng đã không được coi trọng. Vì thế, cảnh trẻ nhặt và sử dụng đồ nguy hiểm không phải hiếm gặp. Kỹ năng sống và bảo vệ an toàn cho chính bản thân của trẻ cũng không được coi trọng giáo dục. Trẻ không có kỹ năng ứng phó với những trường hợp bị rủ rê làm việc nguy hiểm. Vì thế, từ một cháu mang thuốc lá điện tử đến trường, một loạt các cháu khác thử hút và phả khói vào mặt bạn dẫn đến ngộ độc”.
Thấy nam sinh bất động gục trong lớp, miệng sủi bọt, cô hiệu trưởng vận dụng bài học thực hành kỹ năng sơ cấp cứu được tập huấn để xác định vị trí tim rồi thực hiện ngay việc ép tim ngoài lồng ngực cứu học sinh.
Từng 'dành cả tuổi thanh xuân để cạo râu', người phụ nữ 30 tuổi hiện rất hài lòng với bộ râu rậm rạp dài hơn 10cm của mình, và bạn trai kém tuổi của cô cũng vậy.
Sau khi giúp chồng chiến thắng bệnh ung thư, cách đây không lâu, cô I.R tình cờ nghe được chồng nói với một người bạn rằng: 'Vợ tôi hoàn toàn không phải là cô gái trong mơ của tôi'.