Đồng phục 'ngốn' nửa tháng lương: Gánh nặng đầu năm học

Có hai con đang ở tuổi đến trường, đầu năm học mới, tôi phải chi nửa tháng lương để mua đồng phục cho các con, chưa kể các loại phí khác.

Quê ở Phú Thọ nhưng làm công nhân tại Hà Nội, hai vợ chồng tôi quyết định đưa hai con về sinh sống và học tập ở Thủ đô để tiện nhiều bề.

Làm việc tại Cụm công nghiệp Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), lương trung bình của tôi là khoảng 7 triệu/tháng. Chồng tôi cũng làm công nhân trong khu công nghiệp, lương khá hơn tôi một chút nhưng sau khi trang trải tiền thuê nhà, tiền ăn, điện nước thì số tiền còn lại của chúng tôi cũng chẳng đáng là bao. 

Thời gian khủng hoảng nhất của tôi trong năm không phải Tết mà là khi các con bước vào năm học mới. Có 2 con ở tuổi đến trường, đầu năm học mới là lúc nhiều phụ huynh như vợ chồng tôi phải xoay xở với những khoản phí như tiền học, tiền sách vở và trong đó, tiền đồng phục học sinh cũng chiếm một khoản không nhỏ.

Như đầu năm học vừa rồi, khi con lớn vào lớp 6, tôi đã chi gần 2 triệu đồng tiền đồng phục, bao gồm 7 món đồ: bộ sơ mi dài 250 nghìn, bộ sơ mi cộc 240 nghìn, bộ thể dục dài 250 nghìn, bộ thể dục cộc 240 nghìn, áo khoác 260 nghìn, áo gile 230 nghìn, áo hoodie 350 nghìn và hai đôi tất 30 nghìn.

Còn con nhỏ học tiểu học cũng hết hơn 1 triệu đồng tiền đồng phục với 4 món đồ: bộ hè cộc  275 nghìn, bộ hè dài 270 nghìn, bộ thể dục cộc 255 nghìn, bộ thể dục dài 250 nghìn.

Học sinh tiểu học cũng hết hơn 1 triệu đồng tiền đồng phục. Ảnh: Hoàng Thanh.

Như vậy, có hai con ở tuổi đến trường thì đầu năm học, tôi đã phải chi khoảng 3 triệu đồng riêng tiền đồng phục, chưa tính tiền sách vở, các loại quỹ... Tôi đã phải chi gần nửa tháng lương cho việc mua đồng phục cho các con.

Tôi thấy rằng điều này là không hợp lý, nhất là đối với con học Trung học cơ sở khi đồng phục có tới 7 món đồ.

Trong khi đó, học sinh ở tuổi đó lớn rất nhanh, năm trước may đồng phục, năm sau đã cộc, lại phải may tiếp. Năm nào tôi cũng mất tiền mua đồng phục mới cho con và thấy tiếc khi phải bỏ đi những bộ đồng phục cũ. 

Cứ đầu năm học mới, các nhà trường lại mời công ty may mặc về đo đồng phục cho học sinh. Tuy đồng phục được may đo theo số đo của các con, nhưng sản phẩm đến tay thường không được như mong đợi. 

Khi mang đồng phục về cho con thử, đa số các loại quần đều phải sửa lại thì mới mặc được. Cái thì chật, cái thì rộng. Khi tôi thắc mắc thì nhận được lời giải thích của giáo viên chủ nhiệm là “có thể nhiều đơn nên nhà may nhầm số, mẹ chịu khó mang ra tiệm sửa lại một chút".

Không chỉ kích cỡ quần áo không ổn mà chất lượng vải đồng phục cũng khiến tôi cảm thấy không hài lòng. Các con đang ở lứa tuổi Tiểu học và Trung học cơ sở khá hiếu động nên chất liệu vải đồng phục cần thoáng mát, thấm hút mồ hôi. Thực tế, vải vóc đồng phục lại cứng đơ, gây khó chịu cho học sinh trong việc hoạt động và học tập.

Tôi mong rằng Sở GD-ĐT sẽ có chỉ đạo thống nhất về chuyện đồng phục tại các trường, tránh tình trạng loạn giá, loạn chất lượng, gây lãng phí lớn.

Thu Hà

Đồng phục, tưởng chỉ là một câu chuyện nhỏ liên quan đến quần áo. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ quyền tự do biểu hiện bản sắc, phong cách, cá tính, tự do lựa chọn của từng em học sinh, và điều kiện hoàn cảnh từng gia đình thì đằng sau câu chuyện đồng phục có lẽ cũng có nhiều điều cần trao đổi, nhìn nhận lại.  

Ban Giáo dục báo VietNamNet mở diễn đàn: "Học sinh có cần mặc đồng phục không?". 

Mời bạn đọc gửi ý kiến về: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!