'Đồng phục không giúp học sinh nghèo bớt mặc cảm!'
Những lý do rất thuyết phục
Hiện nay, mỗi trường học đều có những lý do riêng cho việc sử dụng đồng phục. Đó có thể là định hướng nhận diện thương hiệu trường hay sự nghiêm trang, chỉn chu khi đến lớp... rồi đồng phục thể hiện 'màu cờ sắc áo', thể hiện tinh thần đoàn kết.
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng đều được đa số các nhà trường nhắc đến khi học sinh sử dụng đồng phục, đó là đồng phục giúp học sinh nghèo bớt mặc cảm, tự ti.
Nhiều người cho rằng đồng phục có thể loại bỏ định kiến phân biệt giàu – nghèo trong môi trường học đường, nhất là với học sinh ở thành phố.
Có người còn cho rằng mặc bộ quần áo đồng phục, các em mỗi ngày đến lớp không phân biệt nhà bạn có điều kiện hay không. Khi bước qua cánh cổng trường chúng ta đều là học sinh với một xuất phát điểm, mục tiêu như nhau.
Đồng phục không giúp xóa bỏ phân biệt giàu nghèo
Thế nhưng, tôi rất phản đối lý do học sinh mặc đồng phục phục nhằm mục đích phá được sự phân biệt giàu nghèo.
Trên thực tế, hàng năm đã có số lượng không nhỏ phụ huynh không đăng ký mua đồng phục mới. Những học sinh không có điều kiện mua đồng phục mới vẫn được tiếp tục mặc đồng phục cũ (áo trắng thì ngả màu, quần thì cộc).
Điều này tạo nên sự không đồng bộ, nhất là vào những năm nhà trường thay đổi đồng phục. Đó cũng là một ranh giới phân biệt những học sinh có hoàn cảnh khó khăn với học sinh có điều kiện khá hơn.
Hơn nữa, học sinh đến trường đâu chỉ có riêng mỗi đồng phục, các em còn có cả giày dép, balo, đồng hồ.
Mặc trên người bộ đồng phục nhưng có những học sinh đi giày hàng hiệu, ba lô "xịn xò" đến trường, thậm chí còn có cả lái xe riêng đưa đón.
Chằng nhẽ vì muốn không phân biệt giàu nghèo, nhà trường yêu cầu đồng phục kể cả ba lô, hay đồng hồ?
Tôi còn nhớ ngày con gái học lớp 7, cách đây chừng mấy năm, khi ấy việc kinh doanh của chồng tôi vô cùng khó khăn, đứng trên bờ vực phá sản.
Toàn bộ chi tiêu trong gia đình đặt lên đôi vai tôi. Cứ đầu năm tôi lại phải bỏ khoảng 1,5 triệu mua các thể loại đồng phục cho con, nào là áo ngắn, áo dài, quần áo thể dục, quần áo ngoại khóa... thậm chí trường con tôi còn bắt mua cả mũ.
Khó khăn nhưng năm nào tôi cũng cố mua đồng phục cho con vì sau một năm sử dụng thì áo trắng cũng ngả màu nước dưa, quần thì cũng sờn hết vải.
Tuy nhiên, sự cố gắng của tôi vẫn chưa đủ để xóa khoảng cách phân biệt giàu nghèo vì lớp con tôi đa số những học sinh có điều kiện. Con chỉ ước mơ có chiếc đồng hồ như của bạn ngồi cạnh. Chiếc đồng hồ đó trị giá 8 triệu, cao hơn cả tháng lương ngày ấy của tôi.
Tôi tá hỏa cố giải thích cho con hiểu, nhưng đứa bé lớp 7 căn bản chưa hiểu được những khó khăn mà gia đình đang trải qua. Thời gian sau, con lại giận dỗi tôi vì không chịu mua chiếc ba lô mà theo con là “thời thượng” giống nhóm bạn nó đang đeo. Nghe đâu chiếc ba lô cũng có giá tới 2-3 triệu đồng.
Cuối cùng, vì không chịu nổi, tôi động viên con chuyển về học ở "trường làng" cho yên ổn.
Tôi cho rằng điều quan trọng mà nhà trường cần chú trọng là dạy cho học sinh có ý chí trong học tập, không bị mê mẩn bởi những thứ vật chất phù phiếm, hào nhoáng bên ngoài, hơn là việc dùng đồng phục để không phân biệt giàu nghèo.
Khi học sinh có kiến thức, hình thành được năng lực nhận biết và chuyển thành hành động thì ba lô vài triệu chứ vài chục triệu của bạn cũng không khiến các con tự ti hay thua kém.
Ngược lai, các con còn thấy hãnh diện với bản thân vì mình luôn cố gắng và nỗ lực trong cả hành trình.
Thêm nữa, thay vì nghĩ ra các kiểu đồng phục và yêu cầu học sinh mua đến 6-7 món đồ cho đồng phục thì nhà trường nên chia sẻ khó khăn với phụ huynh vào đầu năm học mới khi còn nhiều khoản thu khác.
Đừng dùng lý do phá vỡ phân biệt giàu nghèo để bắt học sinh mua đồng phục. Bởi khi đó, bộ đồng phục lại trở thành gánh nặng của phụ huynh.
Phương Thảo
Đồng phục, tưởng chỉ là một câu chuyện nhỏ liên quan đến quần áo. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ quyền tự do biểu hiện bản sắc, phong cách, cá tính, tự do lựa chọn của từng em học sinh, và điều kiện hoàn cảnh từng gia đình thì đằng sau câu chuyện đồng phục có lẽ cũng có nhiều điều cần trao đổi, nhìn nhận lại. Ban Giáo dục báo VietNamNet mở diễn đàn: "Học sinh có cần mặc đồng phục không?". Mời bạn đọc gửi ý kiến về: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn! |