Băn khoăn về đáp án 2 câu hỏi lịch sử ở Chung kết Đường lên đỉnh Olympia
Sau trận Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2022 (diễn ra sáng ngày 2/10), nhiều khán giả cho rằng đáp án của 2 câu hỏi liên quan đến lĩnh vực lịch sử chưa thật sự thuyết phục.
Trước hết là câu hỏi lịch sử trong phần thi Về đích của thí sinh Bùi Anh Đức, có giá trị 30 điểm.
Câu hỏi như sau: “Dân gian có những câu: 'Chu tri rành rành/ Cái đanh nổ lửa/ Con ngựa đứt cương/ Ba vương tập đế/ Cấp kế đi tìm/ Hú tim bắt ập'. Ở đây, ‘Ba vương’ là ba vị vua nào?”.
Ở câu hỏi này, Ban tổ chức chương trình đưa ra câu trả lời như sau: “Ba vương tập đế” chỉ việc trong vòng chưa đầy 4 tháng sau khi vua Tự Đức mất, đã có liên tiếp 3 vị vua thay nhau lên ngôi là Hàm Nghi, Kiến Phúc và Hiệp Hòa.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc chương trình, nhiều ý kiến cho rằng đáp án của câu hỏi lịch sử này chưa chính xác, vua Hàm Nghi không thể nằm trong câu vè này.
Trao đổi với VietNamNet, thầy Trần Trung Hiếu (giáo viên dạy Lịch sử của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) cho rằng Ban tổ chức không nên hỏi những kiến thức lịch sử bằng những câu mang tính dân gian, thiếu chặt chẽ, bởi rất dễ gây tranh cãi.
“Lịch sử Việt Nam thời Vương triều Nguyễn (1802-1945) trải qua 13 vị vua. Giai đoạn sau khi vua Tự Đức băng hà là sự kế tiếp của 3 vua theo thứ tự là Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc. Lịch sử quen gọi thời kỳ này là ‘Tứ nguyệt tam vương’. Đáp án mà Ban tổ chức đưa ra với tên của 3 vị vua sau khi Tự Đức mất là Hàm Nghi, Kiến Phúc, Hiệp Hòa là không chính xác” - thầy Hiếu nói.
Đồng quan điểm, GS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận xét ở một chương trình được quan tâm rộng rãi của học sinh và nhân dân cả nước thì không nên lấy dữ kiện là một bài đồng dao làm cơ sở cho câu hỏi ra đề.
“Bởi thường trong văn hóa dân gian, đồng dao, ca dao được hình thành một cách tự phát và sau đó người ta có nhiều dị bản, biến giải khác nhau. Tính xác thực đến đâu cần có những nghiên cứu cụ thể và tôi cho rằng ban tổ chức lấy dữ kiện đó làm đề thi là một lựa chọn mạo hiểm và cần rút kinh nghiệm” - GS Tung lưu ý.
GS Tung cũng cho hay qua việc đọc những kiến giải khác nhau, “tam vương” ở đây không nói đến vua Hàm Nghi, mà nói đến 3 vị vua triều Nguyễn gồm Hiệp Hòa, Dục Đức và Kiến Phúc.
“Tuy nhiên, với những diễn biến đi kèm như “Cấp kế đi tìm”, “Con ngựa đứt cương”... cũng chưa có nghiên cứu cụ thể nào cho thấy dân gian ám chỉ điều gì. Khi mà chưa thể kết luận, đề thi chưa chuẩn thì rất khó có đáp án chuẩn”.
Câu hỏi lịch sử thứ 2 cũng gây tranh cãi nằm ở phần thi Về đích của thí sinh Vũ Bùi Đình Tùng, với nội dung: "Tấm bản đồ địa lý nào của nước ta vẽ khoảng năm 1838, ghi hai tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam?".
Với câu hỏi này, thí sinh Đình Tùng đưa ra đáp án “Đại Nam thống nhất toàn đồ”.
Đáp án của chương trình đưa ra là “Đại Nam nhất thống toàn đồ”.
Sau đó, MC đã xin ý kiến Ban cố vấn. Nhà sử học Lê Văn Lan đã trả lời và chấp nhận đáp án "Đại Nam thống nhất toàn đồ".
“Trong tổ hợp từ làm tên của bản đồ này có 2 từ là ‘thống nhất’ và ‘nhất thống’. Ngôn ngữ thế kỷ 19 gọi là ‘nhất thống’ - tức là thu hết cả về làm một; còn đến thời đại chúng ta thì thành ra là ‘thống nhất’. Cho nên, tôi nghĩ chỗ này cũng không cần phải nghiêm khắc lắm. Nguyên văn thì phải nói là ‘Đại Nam nhất thống toàn đồ’, nhưng cái nghĩa của ‘nhất thống’ hay ‘thống nhất’ là một, và em đó đã nói được” - Nhà sử học Lê Văn Lan giải thích thêm.
Trao đổi với VietNamNet, GS Phạm Hồng Tung cho rằng không thể đảo trật tự từ mà vẫn chấp nhận đúng.
GS Tung cho rằng, tên bản đồ là một điểm chương - tức là tên riêng của một văn bản, tài liệu có tính pháp lý, chuẩn mực của quốc gia. “Vì vậy, khi nói đến tên của bản đồ cần nói tuyệt đối chính xác mới có ý nghĩa. Chứ không thể nói đảo trật tự từ, bởi như vậy thì không còn chính xác nữa”, GS Tung nói.
Chưa kể, theo GS Tung, trong trật tự từ, chữ “nhất thống” và chữ “thống nhất” có ý nghĩa hơi khác nhau, chứ không hoàn toàn giống nhau.
Theo GS Tung “nhất thống toàn đồ” là một cụm từ nói đến bản đồ toàn bộ đất nước Việt Nam với ý nghĩa đã được quy về một mối. “Chữ ‘nhất thống’ ở đây không chỉ đơn giản là thống nhất về mặt lãnh thổ mà còn thống nhất về quyền lực chính trị và thực thi quyền lực đó với lãnh thổ đã được thống nhất đó. Do đó, khi đảo lại thành ‘thống nhất’ đã làm giảm bớt giá trị của từ gốc ‘nhất thống’” - GS Tung nói.
“Ở chỗ này, nếu chấp nhận câu trả lời của thí sinh, thì có lẽ Ban tổ chức và ban giám khảo có phần ưu ái, thông cảm cho thí sinh cho một câu trả lời tương đối. Tuy nhiên, khi nói đến quốc thống, điểm chương thì phải nói tuyệt đối chính xác chứ không thể du di, châm chước được”.
Thầy Nguyễn Duy Khánh, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Nguyễn Du (Sông Hinh, Phú Yên) cũng chia sẻ quan điểm rằng: "Phải đúng là "nhất thống" chứ không phải "thống nhất" vì tên gọi là tên gọi, không thể vì đồng nghĩa mà thay đổi được, trừ khi đó là bản dịch, còn ở đây là tên một bản đồ nên chắc chắn không thể thay đổi".
Thầy Khánh cũng khẳng định nếu câu hỏi này được đưa ra trên lớp và học sinh của thầy trả lời là “Đại Nam thống nhất toàn đồ” như thí sinh trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia, chắc chắn thầy sẽ không cho điểm.