Xây dựng một nền hành chính trong sạch, đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 vào sáng 9/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.
Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân
Tổng Bí thư cho biết, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cao với việc ban hành Nghị quyết về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới".
Mục tiêu tổng quát của nghị quyết này là hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, phân cấp, phân quyền và kiểm soát hiệu quả.
Mục tiêu nữa là nhằm xây dựng nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nêu trên đây, Trung ương lưu ý một số quan điểm, tư tưởng chỉ đạo.
Trong đó, kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng thời, nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội…
Ngoài ra, Trung ương cũng yêu cầu thực hiện nhất quán nguyên tắc: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và sự giám sát của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trung ương cũng lưu ý phải bảo đảm yêu cầu thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; bám sát thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
Bên cạnh đó, Trung ương cũng nhấn mạnh đến việc bảo đảm tính tổng thể, tính đồng bộ, tính liên thông giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; tiến hành khẩn trương, nhất quán, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình và bước đi vững chắc…
Ban Chấp hành Trung ương cho rằng, xây dựng và kiện toàn bộ máy Nhà nước theo những phương hướng nói trên là một quá trình, với những bước đi tích cực, vững chắc, đặt trong tổng thể đổi mới hệ thống chính trị, gắn với đổi mới và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trước mắt, cần tập trung tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác lập pháp; cải cách nền hành chính Nhà nước; đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án và các cơ quan Tư pháp; phát huy vai trò và quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.
Trong đó đặt trọng tâm vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện nghiêm pháp luật; cải cách nền hành chính Nhà nước. Từ đó xây dựng một nền hành chính trong sạch, có đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực và từng bước được hiện đại hoá để thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng; thúc đẩy tiến trình đổi mới, phát triển, thực hiện bằng được mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ
Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trong 15 năm qua, công tác này đã có nhiều đóng góp tích cực vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho đất nước ta “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém. Do vậy, Hội nghị Trung ương lần này đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.
Trong đó, Trung ương đặc biệt nhấn mạnh: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải bảo đảm giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; chất lượng hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.
Thực tế vừa qua cho thấy, công tác này đã bảo đảm thực hiện đúng cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ".
Trong quá trình này, Tổng Bí thư lưu ý, cần kiên định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; đẩy mạnh phân công, phối hợp, phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Cùng với đó giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, cơ chế, chính sách, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng.
Để tiếp tục đổi mới thành công phương thức lãnh đạo của Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời cần thận trọng, có bước đi vững chắc, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm.
Vấn đề đã rõ thì kiên quyết đổi mới, vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì phải nghiên cứu, thí điểm, không nóng vội nhưng cũng không bỏ qua hoặc để quá chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển…
Tổng Bí thư lưu ý, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở…