Việt Nam chưa cấp phép lưu hành cho 4 loại siro ho bị WHO cảnh báo

Đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết chưa cấp số đăng ký nào cho công ty Maiden Pharma cũng như 4 sản phẩm siro trị ho, cảm lạnh mà WHO cảnh báo nguy hiểm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây thông báo hàng chục trẻ nhỏ ở Gambia, một quốc gia ở Tây Phi tử vong do tổn thương thận cấp tính, có thể liên quan đến siro trị ho, cảm bị nhiễm độc do một nhà sản xuất thuốc của Ấn Độ sản xuất. Theo Reuters, cảnh báo này bao gồm 4 sản phẩm: Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup.

Kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm phát hiện lượng diethylene glycol và ethylene glycol ở mức "không thể chấp nhận được". Những chất này rất độc hại và có thể gây tử vong hoặc khiến người dùng gặp phải các tác dụng phụ như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu… có thể gây độc và dẫn đến tổn thương thận cấp tính.

Việt Nam chưa cấp phép lưu hành cho 4 loại siro ho bị WHO cảnh báo - 1

4 loại siro trị ho của Ấn Độ bị WHO cảnh báo gây huy hiểm cho trẻ hiện chưa cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

WHO dẫn thông tin của Cơ quan Kiểm soát chất lượng dược phẩm Ấn Độ cho biết, Công ty Maiden Pharmaceuticals Ltd chỉ mới cung cấp những thuốc trên đến Gambia. Tuy nhiên, WHO không loại trừ khả năng những siro trên được cung cấp đến các nước khác theo đường không chính thức. 

WHO kêu gọi các nước rà soát và cấm lưu hành những sản phẩm này để không gây tổn hại thêm cho các bệnh nhân.

Liên quan đến các thông tin này, trao đổi với phóng viên Báo Sức khoẻ & Đời sống trưa 7/10, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết đã nhận được thông tin trên và rà soát danh mục các thuốc được nhập về Việt Nam.

"Kết quả rà soát cho thấy Việt Nam chưa cấp số đăng ký nào cho Công ty Maiden Pharmaceuticals Ltd; chưa cấp số đăng ký cho 4 sản phẩm thuốc ho Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup. Đồng thời Công ty Maiden Pharmaceuticals Ltd cũng không có hồ sơ nào đang nộp tại Cục" - đại diện Cục Quản lý Dược chia sẻ với Báo Sức khoẻ & Đời sống.

Đại diện Cục Quản lý Dược cũng khuyến cáo người dân chỉ nên mua các sản phẩm thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được cấp số đăng ký lưu hành, tránh mua, sử dụng các sản phẩm trôi nổi, các sản phẩm rao bán trên các trang mạng.

(Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống)