Trung Quốc phân lập thành công virus đậu mùa khỉ, bắt đầu nghiên cứu vaccine
Theo thông tin trên tài khoản WeChat chính thức của Công ty công nghệ sinh học Trung Quốc (CNBG), một công ty con của Tập đoàn Sinopharm ngày 20/10, Viện Sinh phẩm Vũ Hán thuộc công ty này mới đây đã phân lập thành công virus đậu mùa khỉ từ các mẫu lâm sàng của bệnh nhân nhiễm bệnh, giúp giải quyết các vấn đề về nghiên cứu khoa học trong phòng chống và kiểm soát dịch đậu mùa khỉ. Hiện viện này đã bắt đầu nghiên cứu vaccine ngừa căn bệnh này.
Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm do virus đậu mùa khỉ gây ra và có thể lây lan từ động vật sang người. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sốt, phát ban và nổi hạch, trước đây chủ yếu xảy ra ở Trung và Tây Phi và hiện đã trở thành orthopoxvirus quan trọng nhất trong lĩnh vực y tế công cộng.
Thông tin công khai cho thấy, vaccine ngừa virus đậu mùa đã bị tiêu diệt cũng có tác dụng phòng bệnh nhất định đối với bệnh đậu mùa khỉ, trong đó vaccine đậu mùa Jynneos do công ty Đan Mạch Bavarian Nordic phát triển hiện là vaccine phòng đậu mùa khỉ duy nhất được chấp thuận. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, chỉ những nhóm nguy cơ cao, như những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ mới cần xem xét tiêm phòng, việc tiêm phòng đại trà hiện không được khuyến khích.
Trước đó, WHO tuyên bố sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ là "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm" vào ngày 23/7. Tính đến 19/10, 75.141 ca bệnh đã được báo cáo trên toàn cầu và các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở hơn 100 quốc gia.
Cho đến nay, Trung Quốc đại lục chưa báo cáo ca bệnh đậu mùa khỉ nào trong cộng đồng, chỉ có thành phố Trùng Khánh xác nhận trường hợp mắc đậu mùa khỉ nhập cảnh đầu tiên vào ngày 16/9.
Bích Thuận(VOV-Bắc Kinh)