Thủ tướng yêu cầu ổn định việc làm, nhà ở, đời sống tinh thần cho người lao động
Kết luận Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào sáng 1/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận trong thành công chung của đất nước, có sự đóng góp tích cực, quan trọng, hiệu quả từ công tác phối hợp của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động.
Giám sát việc thực hiện chế độ lương, thưởng
Đề cập đến nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu quán triệt chủ đề điều hành "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả" đã được Chính phủ xác định tại Nghị quyết 01.
Tổng Liên đoàn Lao động tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng Chính phủ, chung sức, đồng lòng triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội; thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới...
Tổng Liên đoàn Lao động tiếp tục phối hợp với bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động; làm tốt công tác giám sát việc thực hiện chế độ lương, thưởng đối với người lao động.
Thủ tướng đề nghị các ban, bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động, nhất là vấn đề ổn định việc làm, nâng cao thu nhập; vấn đề nhà ở, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí; vấn đề chậm đóng BHXH và rút bảo hiểm xã hội một lần...
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, công đoàn phải là một kênh tham gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho đất nước. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị.
Nhấn mạnh nguồn lực, thời gian có hạn, Thủ tướng lưu ý phải chọn công việc trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, thực chất, mang lại hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được, đáp ứng những nhu cầu thiết thực của công nhân, người lao động.
3 công việc trọng tâm, đột phá
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu trong năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động tập trung, ưu tiên công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nguồn lực cho 3 công việc trọng tâm, đột phá.
Thứ nhất, tăng cường tạo công ăn, việc làm cho công nhân, người lao động thông qua đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn liên quan các thị trường, hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn; đồng thời nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng cho công nhân đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.
Thứ hai, giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân "an cư lạc nghiệp". Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp thực hiện, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo.
Thứ ba, từng bước giải quyết, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe người lao động. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp thực hiện, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo trực tiếp.
Thủ tướng yêu cầu 3 Phó Thủ tướng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động và các bộ, ngành, tổ chức các cuộc làm việc cụ thể về các nội dung này và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2.
Về các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan xử lý. Trong đó có việc xử lý doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện của người lao động và giải pháp cụ thể bảo đảm quyền lợi của người lao động là nạn nhân; thực hiện Đề án cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 27 của Trung ương...
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tính đến nay, trên cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2, gồm 93.000 căn nhà xã hội và 63.000 căn nhà ở công nhân. Cả nước đang triển khai thêm khoảng 401 dự án với quy mô 454.000 căn hộ, trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Hiện, Bộ Xây dựng đang trình các cấp có thẩm quyền nghị quyết thí điểm, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về nhà ở công nhân. Trong đó, một số nhóm chính sách là dành nhiều quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; miễn tiền sử dụng đất mà không cần thủ tục tính tiền sử dụng đất; lựa chọn nhà đầu tư nhanh nhất và cho phép công đoàn được làm chủ đầu tư các dự án nhà ở công nhân... |