Thủ tướng tìm hiểu bí quyết xây dựng TP thông minh của Singapore
Thủ tướng ủng hộ làm dự án điện gió ngoài khơi xuất khẩu sang Singapore
Chủ tịch Quốc hội Singapore ấn tượng sâu sắc về sự phát triển của Việt Nam
Việt Nam và Singapore thiết lập quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh
Tại đây, Thủ tướng đã tham quan Mô hình toàn cảnh Singapore (Island-wide model) và nghe lãnh đạo Cơ quan phát triển đô thị Singapore (URA) giới thiệu về quá trình phát triển của Singapore với tư cách là một quốc gia thành phố.
Tập hợp nhiều chuyên gia đóng góp 70 công nghệ, sáng kiến
Đại diện URA cho biết, diện tích của Singapore khoảng 730.000km2, không quá lớn so với TP.HCM với dân số khoảng 5,5 triệu dân. 90% người dân Singapore sở hữu nhà ở và phần lớn ở trong các khu chung cư.
Các khu văn phòng, sản xuất được kết nối qua mạng lưới tàu điện ngầm dày đặc với hệ thống đường sắt 200km và sắp tới sẽ mở rộng lên 380km để kết nối 85% khu dân cư.
Đại diện Văn phòng quốc gia thông minh Singapore giới thiệu đến Thủ tướng triển lãm thành phố thông minh và việc ứng dụng công nghệ, cung cấp các dịch vụ cho thành phố và người dân.
Theo "Sáng kiến quốc gia thông minh" do Thủ tướng Lý Hiển Long đề ra cuối năm 2014, Singapore bắt tay xây dựng "thành phố của tương lai".
Cơ quan Quốc gia thông minh Singapore được thành lập theo sáng kiến này nhằm khai phá và phát huy các tiềm năng trong lĩnh vực số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, mang lại lợi ích cho người dân.
Với khẩu hiệu “biến cho Singapore trở thành quốc gia thông minh để sống, làm việc và vui chơi”, đảo quốc sư tử đã tập hợp nhiều chuyên gia đóng góp 70 công nghệ, sáng kiến đến từ 40 cơ quan cả khu vực tư và Chính phủ để thực hiện khẩu hiệu này.
Singapore tin rằng, việc tập trung phát triển công nghệ và thúc đẩy sử dụng công nghệ sẽ phục vụ cho tiện ích của người dân.
2 câu hỏi của Thủ tướng
Quốc gia thông minh được Singapore xây dựng dựa trên 3 nhánh: Xã hội số, nền kinh tế số và Chính phủ số.
Chính phủ số mà Singapore xây dựng dựa trên nguyên tắc lấy việc phục vụ người dân làm trung tâm và lấy công nghệ số để phục vụ người dân. Chẳng hạn như Chính phủ đặt ra mục tiêu ứng dụng công nghệ để 75% người dân hài lòng với các dịch vụ công hoặc các dữ liệu của Chính phủ phải được lưu chuyển cho các cơ quan trong 7 ngày…
Bên cạnh đó, đảo quốc sư tử luôn luôn muốn tạo ra ngành công nghệ rất sôi động, đưa ra những giải pháp mới để phục vụ cho người dân.
Xã hội số được Singapore hướng tới là luôn luôn sử dụng công nghệ để phục vụ đời sống của người dân và làm cho người dân có thái độ lạc quan khi sử dụng công nghệ phục vụ đời sống của mình.
Đại diện Văn phòng quốc gia thông minh Singapore mời Thủ tướng và các đại biểu xem triển lãm để hiểu được “công nghệ đã làm thay đổi đời sống của người dân Singapore như thế nào”.
Với chủ đề “Triển lãm công nghệ trong tầm tay”, Singapore thiết kế ra những ứng dụng, phần mềm công nghệ để người dân có thể trải nghiệm các tiện ích trong cuộc sống của mình.
Một trong những hình mẫu được Singapore đặt ra các ứng dụng dành cho cán bộ công chức thì cần những gì. Chẳng hạn như ứng dụng bãi đỗ. Thông thường công chức phải trả tiền bằng xu qua máy nhưng qua ứng dụng công nghệ, công chức được cấp một mã số để quét khi cần.
Hay một ứng dụng khác dành cho các nhà đầu tư là hệ thống dữ liệu khổng lồ giúp cho họ có thể truy cập để tìm hiểu các đối tác trong lòng bàn tay, không cần tốn nhiều thời gian.
Trao đổi với lãnh đạo URA và Cơ quan Quốc gia thông minh Singapore, Thủ tướng đặt 2 câu hỏi: Triết lý quy hoạch của Singapore là gì và yếu tố quyết định để xây dựng thành công thành phố thông minh?
Trả lời câu hỏi thứ nhất, lãnh đạo URA cho biết, trong quy hoạch, Singapore xác định tầm nhìn chiến lược lâu dài, có khi lên tới 50 năm. Từ đó xác định cả bộ máy sẽ phải làm gì, vận động thế nào để đạt mục tiêu đề ra.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam cũng đang thực hiện theo hướng này, với quan điểm quy hoạch phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược dài hạn; đồng thời phải hết sức linh hoạt, phù hợp tình hình, không cứng nhắc.
Trả lời câu hỏi thứ 2 của Thủ tướng, lãnh đạo Cơ quan Quốc gia thông minh Singapore cho rằng, điểm trọng tâm là phải giải quyết được những vấn đề của người dân, xem họ cần gì. Công nghệ đã có nhưng phải làm thế nào để người dân muốn sử dụng và sử dụng được.
Tán thành quan điểm này, Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực trong quá trình phát triển. Căn cứ nhu cầu của người dân để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số.