Thủ tướng: Thanh tra ngay một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng
Chiều 17/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền, sau kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Cử tri Nguyễn Thị Phượng (quận Ninh Kiều) đề nghị sớm giải quyết khó khăn của ngành y, cụ thể là tình trạng đội ngũ y bác sĩ và nhân viên xin nghỉ việc nhiều, thiếu thuốc, vật tư y tế.
Trả lời cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang giao Bộ Y tế hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56 về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập để trình Chính phủ ban hành, trong đó dự kiến nâng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế dự phòng, y tế cơ sở từ mức 40-70% lên 100%.
Đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương cải cách tiền lương quan tâm tới chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ ngành y tế khi thực hiện chế độ tiền lương mới để nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho nhân viên y tế công lập.
Ngoài ra, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng quy định về tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, đảm bảo nguồn lực tự chủ hoạt động của các bệnh viện công lập.
Liên quan đến vấn đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát của Đảng, Nhà nước trong việc phát hiện các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, Thủ tướng cho biết, vừa qua thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thanh tra Chính phủ đã làm việc này rất tích cực.
“Chỉ trong năm 2022 đã hoàn thành thanh tra 7.800 cuộc thanh tra hành chính, 195.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành", Thủ tướng nói.
Để tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, sớm phát hiện, ngăn ngừa các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra ngay một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan xử lý, thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đối với một số cuộc thanh tra được dư luận xã hội quan tâm.
Về việc vấn đề xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định pháp luật và chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho cho công nhân, cán bộ công chức, người thu nhập thấp tại đô thị với một số chính sách ưu đãi.
Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, số lượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại các địa phương trong thời gian qua còn nhiều hạn chế.
Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Hiện, đề án đang được Thủ tướng xem xét, phê duyệt để các cấp, các ngành triển khai thực hiện trong thời gian tới.