Thủ tướng: Phải chú trọng đào tạo nghề để có nguồn lao động chất lượng cao

Sáng 14/1, phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc phải chú trọng đào tạo nghề để có nguồn lao động chất lượng cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, LĐ-TB&XH là lĩnh vực quan trọng, trực tiếp phục vụ hàng chục triệu người và gia đình có công, người lao động, người thuộc các đối tượng xã hội khó khăn, yếu thế.

Theo Thủ tướng, những kết quả đạt được của ngành LĐ-TB&XH trong năm qua là rất tích cực, nhất là trong bối cảnh cả nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH đã tiếp tục hoàn thiện, triển khai kịp thời chính sách nhằm nâng cao hơn nữa mức sống của người có công cả về vật chất và tinh thần.

Về chính sách chăm lo người có công, ngành LĐ-TB&XH đã nỗ lực, cố gắng để không bỏ sót ai, cũng không để ai lợi dụng chính sách với người có công.

Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn của ngành trong việc thẩm định, thực hiện nhiệm vụ này, nhất là việc đẩy mạnh giải quyết hồ sơ tồn đọng, xác nhận người có công khi thời gian các cuộc chiến tranh đã qua lâu, dữ liệu xác minh thất lạc, thay đổi phức tạp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: CTV

Thủ tướng đánh giá việc kết nối cung cầu lao động, phục hồi thị trường sau đại dịch Covid-19 vừa qua là nhanh và có nhiều cố gắng. 

Sau đại dịch Covid-19, thị trường lao động đã bộc lộ nhiều yếu kém từ quản lý lao động đến kết nối thị trường và công tác đào tạo nhân lực. Mặc dù vậy Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung thực hiện các biện pháp đảm bảo việc làm, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; hỗ trợ, thu hút người lao động quay trở lại làm việc, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa phương.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chia sẻ, chất lượng nguồn nhân lực ở một số lĩnh vực chúng ta đã có nhiều cố gắng, tiệm cận với thế giới. Trong đó có nơi đang dần thay thế nhiều vị trí phải thuê chuyên gia nước ngoài.

“Vừa qua vào nhà máy lọc dầu Dung Quất, thấy rõ sự thay đổi nguồn nhân lực khi nhiều vị trí quản lý gần như không còn người nước ngoài tham gia hoạt động sản xuất”, Thủ tướng nêu thực tế về hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Đề cập đến nhiệm vụ hỗ trợ người lao động, người dân trong giai đoạn khó khăn mấy năm qua, Thủ tướng nhấn mạnh, đề xuất xây dựng các chính sách và thực hiện với con số hơn 100.000 tỷ phải chi trả là một nỗ lực rất lớn của ngành LĐ-TB&XH.

“Việc hỗ trợ cho 69 triệu người lao động là một nỗ lực lớn của ngành lao động, bởi với công tác hỗ trợ nước ngoài họ chuyển khoản là xong, trong khi nước ta còn nghèo nên phải chọn đối tượng. Trong bối cảnh ranh giới giữa các đối tượng rất mong manh nhưng cuối cùng chúng ta vẫn hỗ trợ tới người lao động với nỗ lực rất cao”, Thủ tướng chia sẻ.

Ngoài ra, các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, quan hệ lao động tiếp tục được ngành LĐ-TB&XH thực hiện hiệu quả. Công tác giảm nghèo, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, người cao tuổi cũng được triển khai khá toàn diện và tương đối đầy đủ...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, bất cập của ngành lao động cần cố gắng. Đó là chỉ tiêu tăng năng suất lao động chưa làm được; thị trường lao động phát triển không đồng đều, chưa đáp ứng nhu cầu của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. 

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn khá cao. Cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm và nâng cao năng suất lao động...

Tận dụng cơ cấu dân số vàng để nâng cao năng suất lao động

Về nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH năm 2023, Thủ tướng nêu rõ, phải xây dựng thị trường lao động cạnh tranh, linh hoạt, bền vững. Do vậy phải chú trọng đào tạo nghề để có nguồn lao động chất lượng cao.

Đặc biệt, cần phải tận dụng cơ cấu dân số vàng để có giải pháp nâng cao năng suất lao động, đào tạo tay nghề đáp ứng với ngành nghề mới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Xây dựng, các bộ ngành, địa phương phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. 

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chỉ rõ những thách thức cần giải quyết trong năm 2023, đó là vấn đề già hóa dân số, thị trường lao động phi chính thức vẫn đang chiếm tỷ lệ cao (55,9%) đang là thách thức với hệ thống an sinh.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: CTV

Bộ trưởng LĐ-TB&XH nêu nhiều nhiệm vụ lớn trong năm mới với ngành để tạo sự phát triển chính sách bền vững, hiện đại, trong đó có hoàn thiện thể chế, chính sách.

Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội là những chính sách trọng tâm sẽ được ngành tập trung cho năm 2023.

Ngoài ra, vấn đề thực hiện chính sách như chăm lo với người có công, giảm nghèo, chăm sóc và bảo vệ trẻ em cũng là nhiệm vụ được xác định cần tiếp tục chú trọng.