Thủ tướng: Kinh tế phục hồi tích cực nhưng tiền lương của cán bộ, công viên chức còn thấp
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 sáng 20/10, Báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình KTXH trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Thủ tướng dẫn lại phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khoá XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả”.
Đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra
Khái quát lại những kết quả nổi bật, Thủ tướng cho biết, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn.
Trong đó, thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước 1.327 nghìn tỷ đồng, đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm đạt 1.614 nghìn tỷ đồng, vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 558 tỷ USD, tăng 15%; xuất siêu 6,76 tỷ USD. Cả năm dự báo đạt 735 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 368 tỷ USD, là năm thứ 7 liên tiếp xuất siêu. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 12,5%; vốn FDI thực hiện đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3%.
Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, trong 9 tháng có hơn 163 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 38,6%, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Trong 9 tháng đã thực hiện được hơn 60 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng số vốn của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH và giao kế hoạch vốn chi tiết 3 Chương trình mục tiêu quốc gia khoảng 92 nghìn tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
Nhờ đó kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo được chuyển biến tích cực trong triển khai xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia; cơ bản hoàn thành 565 km đường bộ cao tốc, trong đó đã đưa vào khai thác 365 km và thông tuyến 200 km.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu, phấn đấu trong tháng 12/2022, khởi công xây dựng 12/12 dự án thành phần với chiều dài 729 km của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả kéo dài đã và đang được quyết liệt tháo gỡ, xử lý; thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả tích cực. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam…
Thủ tướng cũng cho hay, việc rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được triển khai tích cực, hiệu quả. Đến nay, giảm 7 tổng cục và tương đương; giảm 10 cục (thuộc bộ và thuộc tổng cục); giảm 60 vụ và tương đương (thuộc bộ và thuộc tổng cục); giảm 9 đơn vị sự nghiệp công lập. Dự kiến giảm 17 tổng cục và tương đương, 10 cục và 145 vụ/ban thuộc tổng cục, bộ; 22 đơn vị sự nghiệp và giảm căn bản phòng trong vụ.
Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả; đến nay đã hỗ trợ khoảng 87 nghìn tỷ đồng cho gần 56 triệu lượt người dân, người lao động và trên 730 nghìn lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…
Sức ép lạm phát lớn
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý một số tồn tại hạn chế, khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Cụ thể là ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp.
Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và việc lập các quy hoạch còn chậm.
Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng...
Thủ tướng cũng nhìn nhận, tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp; xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục (39.552 người thôi việc, chiếm 1,94% số biên chế giao năm 2021). Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được xử lý dứt điểm.
Thủ tướng cũng lưu ý, kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm; còn một số cán bộ, công chức vi phạm quy định, bị xử lý kỷ luật. Một số vụ việc tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em, mất an toàn lao động, cháy nổ, lừa đảo qua mạng còn diễn biến phức tạp. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm còn nhiều khó khăn, thách thức…
Theo người đứng đầu Chính phủ, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập nêu trên có ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, cần thời gian tích lũy để phục hồi.
Một bộ phận cán bộ, công chức năng lực còn yếu, còn hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương…
Minh bạch điều hành giá điện, xăng dầu
Về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế...
Trong các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của năm tới, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Đồng thời, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Thủ tướng cũng lưu ý đến việc có chính sách phù hợp, công khai, minh bạch trong điều hành giá điện, xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác.
Một nhiệm vụ quan trọng khác được Thủ tướng nêu rõ, đó là thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu chủ động phương án ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác có thể xảy ra; kịp thời giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.
Trong năm 2023, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng một số đoạn cao tốc đã có chủ trương đầu tư; một số dự án đường sắt đô thị; nâng cấp mở rộng, khai thác lưỡng dụng một số sân bay. Cụ thể như các sân bay: Phan Thiết, Thành Sơn, Chu Lai, Lào Cai, Nà Sản, Vinh; nghiên cứu nâng cấp, mở rộng theo phương thức PPP để khai thác lưỡng dụng đối với các sân bay Biên Hòa, Gia Lâm và một số sân bay khác…
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc tập trung triển khai đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; có giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân và xóa nhà tạm tại các huyện nghèo…
Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2023: Tăng trưởng GDP khoảng 6,5% Chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5% Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6% Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4% Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1 - 1,5% |