Thủ tướng: 'Đến giờ này mừng nhất là chưa có thiệt hại về người'

Kết luận cuộc họp đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại sau bão số 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tuyệt đối không được để dân đói, dân rét, dân không có chỗ ở; không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau bão, mưa lũ.

Sáng 28/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 4. Tham dự cuộc họp tại điểm cầu Đà Nẵng có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Cuộc họp được kết nối trực tuyến từ Chính phủ tới Ban Chỉ đạo tiền phương chỉ đạo ứng phó bão số 4 tại TP Đà Nẵng và UBND các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum.

Kết quả phòng chống bão không phải do may mắn mà có

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã lập 4 đoàn đi kiểm tra, khắc phục hậu quả bão. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, Quảng Nam, Kon Tum gần đây có động đất, tỉnh kiến nghị nghiên cứu, đánh giá thêm về nguyên nhân gây động đất. 

Tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị cần sự tham gia của các nhà khoa học để dự báo, cảnh báo sớm tình trạng sạt lở đất tại các vùng núi để di dời người dân.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, đến thời điểm này cơn bão số 4 đã đi qua với thiệt hại thấp nhất về tài sản, không có thiệt hại về người. Theo Bộ trưởng, trong công tác phòng chống cơn bão này, nhiều điều không phải do may mắn mà có, mà đây thực sự là nỗ lực, sự chủ động của các cấp, các ngành.

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Nhật Bắc.

“Sự chủ động, các biện pháp được triển khai từ sớm, từ xa, đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, qua đó chúng ta đã giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra, dù đây được đánh giá là cơn bão lớn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.

Cho biết từ nay tới cuối năm dự báo sẽ còn có 10-12 cơn bão nữa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, từ kinh nghiệm chống bão lần này, nhiều bài học đã được rút ra để chúng ta chủ động hơn trong ứng phó với các cơn bão có thể đổ bộ vào nước ta.

Nhấn mạnh đến thời điểm này chưa có người thiệt mạng do bão là điều đáng mừng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ ra một số bài học kinh nghiệm. Đầu tiên đó là sự chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa trong phòng chống bão. Thủ tướng liên tục có các cuộc họp, ban hành các công điện đề ứng phó bão. Tiếp đó, là hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, chuẩn bị kỹ lưỡng. 

Nhân dân có ý thức chấp hành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Thủ tướng, của cấp uỷ, chính quyền. Theo đó, đến 5h chiều ngày 27/9, không còn bóng người ngoài đường. “Trước đây, nhiều vụ tai nạn do đi đường bị cây đổ, ngã xuống sông, nhà tốc mái”, Phó Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh sự đùm bọc trong nhân dân đã góp phần vào kết quả phòng chống bão. “Người sống trong nhà cấp 4 thì sang ở nhờ nhà hàng xóm kiên cố hơn, có khách sạn dành cho bà con trú tránh”, Phó Thủ tướng nói và cho biết, sáng nay đi khảo sát một số khu vực tại Thừa Thiên- Huế thấy sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của bà con.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương thời gian tới tiến hành rà soát, đánh giá, tổng hợp đầy đủ thiệt hại do bão gây ra, báo cáo thường trực Ban chỉ đạo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm khắc phục hậu quả của bão. Ngay sau cuộc họp, một số công trình như điện, trường học, nhà dân bị tốc mái cần khẩn trương được khôi phục.

Phó Thủ tướng lưu ý, tránh tâm lý chủ quan sau bão và yêu cầu rà soát các khu vực nguy hiểm như đập tràn, khu vực có nguy cơ sạt lở cao để bố trí lực lượng ứng trực, không để người dân qua lại khu vực này.

Học sinh trở lại trường trong ngày mai

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương, lực lượng quân đội, công an… trong phòng, chống bão số 4. Nhờ đó, đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân.

“Cho đến giờ này mừng nhất là chưa có thiệt hại về người. Theo báo cáo mới chỉ có 4 người bị thương ở Quảng Trị”, Thủ tướng gửi lời chia sẻ của Chính phủ đến những bị thương và các gia đình bị thiệt hại về tài sản do bão gây ra.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương đánh giá thiệt hại, triển khai ngay các giải pháp khắc phục hậu quả do bão gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân. Kịp thời tổ chức động viên, thăm hỏi, hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại do mưa bão, tạo điều kiện để học sinh sớm trở lại trường ngay trong ngày mai. 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng các đại biểu dự cuộc họp tại đầu cầu Đà Nẵng. Ảnh: Đức Tuân.

“Tuyệt đối không được để dân đói, dân rét, dân không có chỗ ở; không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau bão và sau mưa lũ”, người đứng đầu Chính phủ nói và yêu cầu các địa phương thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại, gửi ngay về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước mắt, các địa phương chủ động sử dụng quỹ phòng chống thiên tai, ngân sách của địa phương, các nguồn vốn hợp pháp để xử lý khắc phục ngay những thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân. Bộ Tài chính chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ về gạo và kinh phí cho các địa phương. Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành có liên quan hỗ trợ khẩn trương khắc phục sạt lở tại các tuyến giao thông trọng yếu, bảo đảm lưu thông thông suốt, an toàn.

Tập đoàn điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên được yêu cầu khẩn trương khôi phục hệ thống truyền tải điện, bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ ngành theo sát tình hình, dự báo kịp thời các diễn biến thời tiết, thiên tai.

“Tuyệt đối không chủ quan, lơ là”, Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng chống thiên tai, với tinh thần sẵn sàng hơn, chủ động hơn, quán triệt phương châm “4 tại chỗ” (lấy địa phương và người dân là chính), đảm đảm an toàn khi triển khai các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ (nếu có).

Với nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra sau ứng phó bão số 4, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị nghiên cứu để phòng chống thiên tai, bão lũ thời gian tới.