Thủ tướng: Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
Chiều 3/2, kết luận phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh những ý nghĩa của công tác CCHC trong việc tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp, nền kinh tế.
Từ đó đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tạo công ăn việc làm cho người dân; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xây dựng môi trường hành chính trong sạch, lành mạnh, công khai, minh bạch.
Đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Thủ tướng lưu ý, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế, băn khoăn, trăn trở cần sớm khắc phục và làm tốt hơn nữa như vẫn còn phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, còn tình trạng tham nhũng vặt.
Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp còn chưa cao; người dân, doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần để thực hiện dịch vụ công. 46/63 tỉnh vẫn còn để xảy ra tình trạng sách nhiễu, phiền hà trong thực hiện TTHC, dịch vụ công; 22/63 địa phương để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí - tiền "bôi trơn"…
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này, trong đó có một số cá nhân người đứng đầu có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, ảnh hưởng đến tiến độ; chất lượng đội ngũ công chức, viên chức một số nơi còn hạn chế...
Thủ tướng nhấn mạnh, CCHC được Đảng ta coi là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nghị quyết số 27 của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới xác định: "Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính Nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả".
Việc thực hiện Nghị quyết số 27 nói chung và công tác CCHC nói riêng rất nặng nề, đòi hỏi phải thống nhất trong nhận thức và hành động, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả.
Vì vậy, phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó...
Cùng với đó là tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC; phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ bao trùm là tập trung đẩy mạnh CCHC gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia". Trong đó, trọng tâm là cải cách thể chế, cắt giảm TTHC, tăng cường mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, là trung tâm phục vụ...
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ...
Nhấn mạnh năm 2023 là năm dữ liệu số, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã thống nhất trình cấp có thẩm quyền chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh, hoàn thành trong quý 1 năm 2023.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức triển khai, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thiết thực, hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025; chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2023.
Các bộ ngành tham mưu Chính phủ, Thủ tướng ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định thực hiện liên thông nhóm TTHC "Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi"; "Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí"...
Bộ Nội vụ tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và chính sách liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh, góp phần nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đồng thời, khẩn trương xây dựng, trình ban hành Nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, hoàn thành trong tháng 4 năm 2023; phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng...