Thủ tướng chia sẻ với kiều bào: 'Các nước rất tôn trọng Việt Nam'
Chiều 14/1, tại trụ sở Chính phủ, trong không khí ấm cúng, thân tình chào đón năm mới và Tết cổ truyền, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp thân mật đoàn kiều bào Việt Nam tiêu biểu về nước đón Tết theo chương trình Xuân Quê hương.
Báo cáo với Thủ tướng, ông Hoàng Đình Thắng (kiều bào tại Séc) cho biết, xuất phát từ quan điểm cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại muốn trở thành một cộng đồng mạnh, có vị thế thì phải có tổ chức. Sau rất nhiều năm, tháng 10/2016, Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu đã được thành lập.
Sau 6 năm, Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu đã làm tốt công tác đối ngoại, vận động, tập hợp liên kết cộng đồng thông qua các chương trình về văn hóa, văn nghệ, thể thao, từ thiện…
“Mong muốn cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu sẽ có những đóng góp thiết thực đúng với mong muốn quan tâm của Chính phủ Việt Nam như là khoa học-công nghệ, xuất khẩu hàng Việt Nam vào châu Âu, kinh tế bền vững…”, ông Thắng chia sẻ.
Là người có 35 năm định cư ở nước ngoài, kiều bào Hoàng Đình Thắng vui mừng và tự hào với vị thế của Việt Nam, thành công của đất nước trong nhiều lĩnh vực.
Bà Aurélia Nguyen (có cha người Việt, mẹ là người Pháp), Giám đốc chiến lược Chương trình của Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) nói, bà cảm thấy vinh dự khi nhận lời mời về thăm quê hương từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
“Cha tôi sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, sau đó đi sang Pháp để học đại học. Tôi có rất nhiều điều để cảm ơn cha tôi và tổ tiên, những người đã trao cho tôi di sản là người Việt Nam”, bà Aurélia Nguyen tâm sự. Bà cho biết luôn theo dõi và sự tự hào khi chứng kiến Việt Nam - quê hương vượt qua đại dịch Covid-19 một cách thành công. Trong khi đại dịch ảnh hưởng ở tất cả mọi nơi trên toàn cầu, Việt Nam đã trở thành ví dụ cho toàn thế giới về việc làm thế nào để chiến thắng đại dịch.
Bà Trần Tuệ Tri (kiều bào tại Singapore) vui mừng trước sự thay đổi rất lớn của đất nước thời gian qua, đơn cử như Vịnh Hạ Long không chỉ là di sản nổi tiếng thế giới mà còn ngày càng sạch hơn về môi trường, sinh thái. Nhìn rộng hơn, đất nước ta đang thể hiện vị thế của một "con hổ đang lên", một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.
Khi vị thế đất nước được nâng tầm, giá trị mỗi người cũng được nâng lên. Bà Trần Tuệ Tri cho biết, rất tự hào mỗi khi giới thiệu mình là người Việt Nam, được bạn bè quốc tế tôn trọng.
Đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới và mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được đón tiếp bà con kiều bào về thăm Tổ quốc, đặc biệt đúng vào ngày 23 tháng Chạp, khi nhà nhà thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo lên trời.
Thủ tướng xúc động khi biết có hơn 120 kiều bào từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ - những người đã vượt qua rất nhiều giới hạn để về với quê hương tham dự Xuân Quê hương lần này.
Lắng nghe các phát biểu của bà con kiều bào, Thủ tướng ghi nhận sự tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm với quê hương qua từng ý kiến.
Chia sẻ với bà con về những truyền thống quý báu của dân tộc có từ xa xưa, Thủ tướng nhắc tới những câu chuyện cổ về con Rồng-cháu Tiên, Thánh Gióng, Sơn Tinh-Thủy Tinh, Mị Châu-Trọng Thủy, Thạch Sanh… Trong đó, thể hiện tinh thần người Việt Nam mỗi khi lâm nguy, khó khăn, trắc trở thì tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc lại được củng cố, tăng cường và phát huy mạnh mẽ.
Trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên người Việt Nam rất thấu hiểu giá trị của hòa bình, Thủ tướng một lần nữa khẳng định: "Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc".
Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là nguồn lực, động lực phát triển. Không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam.
Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
"Chúng tôi dự các hội nghị đa phương và thăm song phương, các nước rất tôn trọng chúng ta. Chúng ta có quyền ngẩng cao đầu để trao đổi bất cứ công việc gì trên thế giới", Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng nhận định, năm 2023, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Ở trong nước, tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn và tình hình nhìn chung khó khăn hơn năm 2022, trong đó có các yếu tố "bất lợi kép" từ bên ngoài và bên trong.
Nhắc lại câu hát "Quê hương mỗi người chỉ một - Như là chỉ một mẹ thôi", câu ca dao "Bầu ơi thương lấy bí cùng - Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", Thủ tướng khẳng định, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời.
Năm ngoái, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang phức tạp, Thủ tướng đã nói về quyết tâm của Chính phủ phấn đấu thực hiện mục tiêu để "đường về quê gần hơn". Đến nay, Chính phủ hướng tới mục tiêu "Đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới và mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam".
Thủ tướng nêu rõ, để thực hiện tốt hơn mục tiêu "Đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới" cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đó là ổn định vĩ mô; ổn định an ninh trật tự, xã hội; hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc, rào cản, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy hội nhập, đổi mới chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.
Trong những năm gần đây, một số doanh nhân Việt Nam đã có xu hướng đầu tư ra nước ngoài. Điều này thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn của người Việt Nam. Thủ tướng đề nghị chú trọng đến việc giáo dục đào tạo để các thế hệ sau hiểu hơn về đất nước, lịch sử, văn hóa, truyền thống và con người Việt Nam.
Còn với mục tiêu "Mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam" qua việc tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, đầu tư; tạo môi trường thông thoáng, công khai, minh bạch để thu hút sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
"Mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam" bằng cách đẩy mạnh hợp tác về du lịch, mở rộng hơn nữa các thị trường du lịch tiềm năng ở khu vực và trên toàn thế giới, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế đến với đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam thân thiện, mến khách", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, để thực hiện được những mục tiêu nêu trên, rất cần sự ủng hộ, tham gia tích cực của bà con kiều bào - những người có nhiều năm sinh sống, học tập, làm việc và thông hiểu sở tại, những "đại sứ thầm lặng".
Thủ tướng mong muốn bà con chung sức, đồng lòng, kề vai, sát cánh, cùng nhau thực hiện thành công các mục tiêu phát triển, trong đó có nhiệm vụ "Đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới và mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam, để chúng ta mãi mãi tự hào là người Việt Nam!"