Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm: Không bảo hộ ngược sản phẩm văn hoá nước ngoài

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, tới đây sẽ không có tình trạng bảo hộ ngược những doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ pháp luật khi cung cấp nội dung phim ảnh xuyên biên giới vào Việt Nam.

Sáng 17/12, trong phiên thảo luận bàn tròn thuộc khuôn khổ Hội thảo Văn hoá 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá”, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề về thể chế, chính sách góp phần thúc đẩy phát triển văn hoá trong bối cảnh hiện nay.

Vẫn loay hoay với các Nghị định

GS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, tháo gỡ 5 điểm nghẽn để có thể triển khai thành công ngành công nghiệp văn hóa.

Thứ nhất là điểm nghẽn về thể chế. GS Từ Thị Loan chỉ ra rằng, trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá đến năm 2020 đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 phải ban hành Pháp lệnh Nghệ thuật biểu diễn, Pháp lệnh Mỹ thuật Nhiếp ảnh và đến năm 2020 sẽ ban hành Luật Nghệ thuật biểu diễn và Luật Mỹ thuật Nhiếp ảnh.

Nhưng đến nay đã cuối năm 2022 chúng ta vẫn loay hoay với các Nghị định. Do đó việc tạo ra hành lang pháp lý tạo điều kiện cho sự phát triển vẫn còn rất hạn chế.

GS Từ Thị Loan

Lĩnh vực quảng cáo thu lại lợi nhuận rất cao nhưng khi ban hành Luật Quảng cáo vào năm 2012, Việt Nam mới quan tâm đến lĩnh vực quảng cáo truyền thống (phát thanh, truyền hình, quảng cáo ngoài trời), đến nay đã lạc hậu trong bối cảnh 4.0 với hình thức quảng cáo qua mạng internet, nền tảng số.

Hiện nay, những hình thức quảng cáo mới này không đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước mà vào túi chủ sở hữu ở nước ngoài là các thương hiệu như YouTube, Facebook, TikTok... Do đó, chúng ta phải kịp thời sửa luật, sửa các văn bản liên quan. 

Thứ hai là điểm nghẽn về cơ chế. Chuyên gia cho rằng phải chuyển từ cấp phép xin – cho theo phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm. Cần các giải pháp để tất cả những điều pháp luật không cấm các nghệ sĩ, nhà sáng tạo có quyền làm. Nếu có vi phạm sẽ xử lý bằng luật pháp, thanh tra, kiểm tra để giải phóng sức sáng tạo của văn nghệ sĩ, thúc đẩy sản xuất văn hóa để chúng ta có được sự đa dạng văn hoá.

Thứ ba là điểm nghẽn về nguồn lực. GS Từ Thị Loan cho hay, trước kia, chúng ta chỉ quan tâm đến nhân lực lãnh đạo quản lý và nhân lực sáng tạo. Tuy nhiên đội ngũ về sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã rất quan trọng và cần được quan tâm hơn trong tất cả các khâu từ đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại, thậm chí là giáo dục nghệ thuật trên ghế nhà trường.

Thứ tư là về nguồn lực tài chính. Công nghiệp hoá đòi hỏi nguồn lực xã hội rất lớn. Vì vậy, chúng ta cần có cơ chế chính sách, huy động được các doanh nghiệp. Đặc biệt, cần có cơ chế về hợp tác công tư PPP cho dự án đầu tư về văn hoá, nghệ thuật.

Thứ năm, nguồn lực về cơ sở vật chất còn thiếu thốn, khó khăn. Đơn cử với ngành điện ảnh chưa có tác phẩm phản ánh sự hào hùng của đất nước hay tương xứng với sự nghiệp đổi mới của dân tộc; trường quay, phim trường, các vấn đề hậu kỳ chưa đáp ứng được. Nhiều khi, chúng ta phải đi quay ở nước ngoài hay làm hậu kỳ ở các nước khác. Như vậy, chúng ta không thể áp dụng “luật chơi” của nước mình.

Hay như vấn đề bản quyền còn rất nhức nhối, chưa có quốc gia nào mà tác phẩm của các danh họa thế giới ở Việt Nam chỉ được bán với giá vài trăm, đến vài triệu đồng. Thực trạng đó cho thấy không thể có được thị trường văn hoá lành mạnh để phát triển công nghiệp văn hoá.

Thể chế có thể thay đổi, mấu chốt là hợp tác và đấu tranh

Chia sẻ vấn đề làm thế nào để chống những nội dung văn hóa độc hại trên mạng xã hội và các nền tảng ngoại, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng: Việc ứng xử, quản lý xử lý nền tảng xuyên biên giới không còn quá khó khăn nữa. Bởi chúng ta đã thay đổi từ nhận thức, ý chí và thể chế, chính sách đã được hoàn thiện.

Điều khó là chúng ta không chủ trương cấm tuyệt đối. Bởi cấm rất dễ, chỉ 30 phút sau khi quyết thì sẽ không có Facebook…, nhưng đây là tiến bộ công nghệ mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích xã hội. Cũng có những lợi ích phải gạn đục khơi trong, kéo toàn xã hội cùng thực hiện để nhận biết đâu là “rác”, đâu là thông tin độc hại để có ứng xử phù hợp. 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm

Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định, việc ngăn chặn thông tin xấu độc thời gian qua của các cơ quan nhà nước đã đạt được những kết quả nhất định, thời gian tới hướng đến chủ động ngăn chặn từ gốc chứ không phải thông tin lên mạng rồi mới ngăn chặn.  

Ông Nguyễn Thanh Lâm cũng cho biết, khó khăn nhất trong thời gian tới là các cơ quan chưa nắm được tập quán chia sẻ thông tin của các nền tảng xuyên biên giới. Các nền tảng này khi vào Việt Nam có xu hướng gợi ý những thông tin xấu độc - điều này làm người xem tiếp cận và phơi nhiễm với thông tin xấu.

Do đó, các cơ quan cần có thêm thời gian để nhận diện xác định đúng vấn đề này, từ đó có biện pháp chống, hướng đến thay đổi tập quán và gợi ý thông tin tốt.

Thứ trưởng Bộ TT&TT cho hay, vừa qua ông đã chủ trì cuộc họp rất quan trọng với các nhà quảng cáo để làm sao định hướng các đơn vị đó vào các nền tảng nội chứ không phải là dùng số tiền đó nuôi dưỡng những thông tin trên các nền tảng ngoại.

Như vậy, về mặt thể chế, đôi khi chúng ta có những vấn đề khó, nhưng rõ ràng bằng các quy định cụ thể thì vẫn có thể xử lý được hạn chế này khi các nền tảng ngoại thâm nhập vào Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, tới đây sẽ không có tình trạng bảo hộ ngược những doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ pháp luật mà lại làm khó các doanh nghiệp trong nước. 

“Với Nghị định 71 vừa được ban hành sửa đổi Nghị định về cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên Internet, tôi khẳng định sẽ không còn chuyện đó.

Tới ngày 1/1/2023 Nghị định này có hiệu lực, chúng ta hoàn toàn có thể yêu cầu các nền tảng cung cấp nội dung phim ảnh xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ quy định như doanh nghiệp trong nước. Nếu không thì sẽ bị chặn”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nêu rõ, thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phải tạo ra một sân chơi bình đẳng để doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài vào Việt Nam tuân thủ pháp luật. Đồng thời mang nguồn lực với thế mạnh của chính họ để đầu tư sản xuất những nội dung trong nước, sau đó lại phân phối phát lên trên những nền tảng của họ, không phải chỉ cho trong nước mà cả thế giới xem. 

“Ở đây bài toán đặt ra là chúng ta phải hợp tác và đấu tranh, cái khó ở chỗ đấy chứ không phải cái khó về thể chế, phương pháp làm nữa”, ông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ thêm.

Trong năm tới, Bộ TT&TT cũng sẽ yêu cầu tất cả các nhà sản xuất tivi thông minh và điện thoại thông minh bán ra ở Việt Nam phải cài sẵn tất cả những ứng dụng cung cấp nội dung báo chí, truyền hình hợp pháp, có giấy phép và không được nghiễm nhiên cài đặt các ứng dụng mà không xin phép các cơ quan quản lý nhà nước.