Thu hồi đất tránh chuyện 'công cộng hóa' mục đích thương mại

Việc thu hồi đất vì mục đích công cộng thông qua cơ chế riêng có thể bị lợi dụng để thu hồi đất đai phục vụ cho nhu cầu thương mại, nói cách khác là "công cộng hóa" mục đích thương mại.

Đó là lo lắng của nhiều chuyên gia khi góp ý dự án Luật đất đai (sửa đổi) do Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật – Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức chiều 20/2.

Quy hoạch đất từ trên xuống dễ bị lợi dụng

GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật cho rằng, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như dự thảo được tiến hành "từ trên xuống". 

“Điều đó có nghĩa là quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của cấp trên quyết định quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới là không hợp lý. Nên chăng việc lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cần tiến hành "từ dưới lên" thì việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mới sát thực tế và khả thi”, ông gợi mở.

GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật. Ảnh: Minh Đạt

Dẫn thực tiễn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất những năm qua thường xuyên điều chỉnh, trong đó không ít trường hợp vì lợi ích nhóm, ông Đường cho rằng, dự thảo Luật Đất đai hiện quy định các căn cứ để điều chỉnh quy định quá rộng và thiếu cụ thể. Điều này rất dễ bị lợi dụng để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phê duyệt. 

Ông cũng đề nghị cần xem lại quy định về thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch quá rộng khi quy định: “Cấp nào có thẩm quyền quy hoạch cấp đó quyết định thay đổi, điều chỉnh quy hoạch”.

Theo ông, thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp tỉnh phải được cơ quan quy hoạch cấp quốc gia cho phép và thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp quận huyện phải do cấp tỉnh quyết định. 

GS Trần Ngọc Đường cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại việc phân cấp, phân quyền trong thu hồi đất, thẩm quyền thẩm định giá đất thu hồi là những vấn đề còn rất nóng trong thực tế cần phải quy định chặt chẽ. Tất cả các khâu của quản lý nhà nước về đất đai đều phải có mặt của cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 2013. 

Cùng với đó là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong và kiểm soát lẫn nhau để việc quản lý và sử dụng đất đai có hiệu lực và hiệu quả khắc phục được tình trạng tiêu cực tham nhũng về đất đai. 

Ngoài ra, GS Trần Ngọc Đường cũng lưu ý, nếu ủy quyền tràn lan thì có thể dẫn tới mất quyền và bị hạn chế quyền. Khi Quốc hội giao cho Chính phủ, các bộ ngành, hoặc chính quyền địa phương quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trong các điều luật phải hết sức cần nhắc để không “dễ dãi” nhường quyền của mình cho các cơ quan khác. 

Thu hồi đất thông qua cơ chế riêng dễ lợi ích nhóm

Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, việc lấy ý kiến công dân đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm phát huy quyền dân chủ, làm chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở.

Việc này còn liên quan mật thiết đến trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình khi thực hiện quyền công dân tham gia giám sát quản lý, sử dụng đất đai. Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai chưa quy định đầy đủ, rõ ràng việc này.

“Đây là vấn đề sống còn của người dân hàng ngày, điều đầu tiên quan trọng nhất là lấy ý kiến về kế hoạch sử dụng đất”, ông Thường lưu ý.

Ông Đỗ Duy Thường. Ảnh: Minh Đạt

Từ đó, ông đề nghị, quy định rõ nội dung lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện, mà trực tiếp là cấp xã, nhất là những dự án liên quan đến quyền sử dụng đất của các hộ gia đình trong thôn, bản, tổ dân phố với thời hạn 30 ngày.

Theo đó, cần công khai bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại UBND xã và tại điểm dân cư ở các thôn, bản, tổ dân phố. Một hình thức khác là lấy ý kiến nhân dân thông qua MTTQ, phát phiếu hỏi gửi trực tiếp đến từng hộ gia đình…

Phó Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Lưu Bình Nhưỡng quan tâm đến Điều 62 Luật Đất đai hiện hành quy định các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, xã hội, vì mục đích công cộng, Nhà nước tiến hành thu hồi thông qua cơ chế riêng.

Tuy nhiên, ông cho rằng, điều đó dễ gây tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng chức vụ quyền hạn, “lợi ích nhóm"; nhiều dự án bị treo, gây lãng phí, khiếu kiện... gây hệ lụy về kinh tế, xã hội. 

Quy định này có thể bị lợi dụng để thu hồi đất đai phục vụ cho nhu cầu thương mại, nói cách khác là "công cộng hóa" mục đích thương mại; có thể bị biến tướng nhằm thu hồi đất làm khu đô thị sinh thái, khu dân cư để kinh doanh. 

Nếu không được quy định rõ trong luật, nhất là trường hợp thu hồi đất vì mục đích công cộng dễ dẫn đến tình trạng “điều chỉnh” quy hoạch và mục đích sử dụng đất thông qua nghị quyết của HĐND nhằm hợp thức hóa cho mục đích thương mại.

Theo ông Nhưỡng, việc thu hồi đất phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất. 

Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Ngoài ra, Nhà nước cần quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Điều đó là nhằm tránh tình trạng lợi dụng khái niệm vì lợi ích “công cộng” để thực hiện các mục tiêu phi “công cộng" hay là tình trạng “công cộng” hóa mục tiêu thương mại.