Quy định mới, giao dịch tiền mặt, ngoại tệ tiền mặt lớn trong ngày phải báo cáo

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Phòng, chống rửa tiền đã quy định giao dịch có giá trị lớn bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một ngày phải báo cáo.

Chiều 15/11, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền, trong đó có nhiều quy định liên quan đến việc quản lý tài sản ảo.

Báo cáo tiếp thu, giải trình trước khi thông qua luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn vì sao có một số khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) vẫn chưa được thể chế hóa trong dự thảo luật, bao gồm việc quản lý tài sản ảo và tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo.

Đại biểu đề nghị xem xét, nghiên cứu bổ sung, dẫn chiếu các quy định của các nước đã công nhận tiền ảo, tài sản ảo. Đại biểu cũng lưu ý, cân nhắc điều chỉnh tại dự thảo luật về vấn đề rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố trong lĩnh vực này do tiền ảo, tài sản ảo có thể dễ dàng được trao đổi trên phạm vi toàn cầu và thực tế thời gian qua có rất nhiều người tham gia vào các hoạt động của các sàn tiền ảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Phạm Thắng

Cần làm rõ để tạo hành lang pháp lý kiểm soát những hành vi có thể lợi dụng thông qua rửa tiền để tài trợ khủng bố, chuyển đổi tiền thu được từ các hoạt động bất hợp pháp thành tiền séc hoặc chuyển qua các tài khoản thông qua việc mua bán, trao đổi tiền ảo, nhất là các đối tượng có yếu tố nước ngoài...

Có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi rửa tiền thông qua công nghệ sử dụng tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là một tội danh, chứ không phải một tình tiết tăng nặng như quy định của Bộ luật Hình sự; bổ sung điều khoản quy định về việc tịch thu tài sản ảo, tiền ảo theo chuẩn mực quốc tế. 

Ông Thanh cho biết, với nội dung liên quan tài sản ảo, từ năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp là đầu mối, phối hợp các Bộ ngành nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể thực trạng pháp luật về tài sản ảo, đề xuất hoàn thiện thể chế đối với vấn đề này. Hiện nay, các bộ ngành đang triển khai nghiên cứu, do đó, chưa có đủ cơ sở để quy định ngay các biện pháp phòng chống rửa tiền đối với hoạt động này tại dự thảo Luật.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các hoạt động mua bán, trao đổi các tài sản ảo tại Việt Nam hiện nay được thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền ảo, tài sản ảo quốc tế hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp tiềm ẩn nhiều rủi ro về rửa tiền cũng như rủi ro cho chính cá nhân tham gia.

Do đó, việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng các quy định pháp luật điều chỉnh về hoạt động mua bán, trao đổi tài sản ảo cũng như các biện pháp phòng chống rửa tiền thông qua các hoạt động này là cần thiết.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo luật đã quy định theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền chưa được quy định, sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro về rửa tiền nói riêng và rủi ro tài chính nói chung.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến đề nghị xem xét bổ sung tiêu chí tính trên một khách hàng đối với giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo đã quy định giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một ngày.

Theo quy định hiện hành, các ngưỡng giá trị này đều xét theo một hoặc nhiều giao dịch do một khách hàng thực hiện trong một ngày (đối với giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng); các dự thảo văn bản hướng dẫn kèm theo hồ sơ dự án Luật cũng đang tiếp tục kế thừa quy định như trên, do vậy, đã bao hàm việc quy định theo tiêu chí trên một khách hàng.

Luật Phòng chống rửa tiền gồm 4 chương và 66 điều, có hiệu lực từ ngày 1/3/2023.