Phó Thủ tướng nói với các địa phương, sẵn sàng họp xuyên đêm ứng phó bão số 4
Sau khi đi kiểm tra việc phòng chống bão số 4 trên một số địa bàn của tỉnh Quảng Trị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp rà soát công tác ứng phó bão số 4 tại đầu cầu UBND tỉnh Quảng Trị.
Đêm nay, phòng họp trực tuyến của các địa phương phải mở
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, chỉ còn mấy tiếng nữa bão sẽ đổ bộ vào đất liền, thời gian rất quý. Do đó, cần nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời phát sinh do cơn bão gây ra.
Qua kiểm tra khu vực bị lốc xoáy tại Quảng Trị, Phó Thủ tướng cho rằng, dù chuẩn bị kỹ càng, vẫn còn tình huống đột xuất, bất ngờ. Mặc dù bão chưa vào nhưng lốc xoáy làm 100 ngôi nhà tốc mái, 3 người bị thương. Quảng Trị vào cuộc kịp thời đưa người gặp nạn đi cấp cứu.
Phó Thủ tướng đề nghị cuộc họp tập trung vào các biện pháp cấp bách trước mắt khi chỉ còn ít thời gian nữa bão sẽ vào, trong đó, tập trung vào các biện pháp bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân, sức khỏe, tính mạng của người dân là hàng đầu. Điều đó liên quan đến sơ tán, bố trí chỗ ở, đã vận động bà con sơ tán hết hay chưa?.
Theo Phó Thủ tướng, làm xót việc này bão vào thì nguy hiểm cho người dân. Vì vậy, sơ tán, bố trí chỗ ở cho người dân là nhiệm vụ số 1
Thứ 2, phải xác định bảo vệ các công trình trọng điểm, quan trọng mà ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội cũng như an toàn cho nhân dân như: Hồ đập, đê điều, đường sá, bệnh viện, bảo vệ hệ thống điện…
Thứ 3, Phó Thủ tướng đề nghị báo cáo về việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, ứng cứu trường hợp bị chia cắt. Bởi có thể xảy ra tình huống chưa lường hết như đê biển bị sóng đánh thì ứng cứu như thế nào.
“Đêm nay, phòng họp trực tuyến của các địa phương phải mở”, Phó Thủ tướng yêu cầu và cho biết ông sẽ về Thừa Thiên - Huế họp điều hành tiếp, có thể họp điều hành xuyên đêm.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh báo cáo, đến nay, tất cả công việc chuẩn bị cho công tác phòng chống bão đã xong, trong đó TP đã cấm người dân ra đường từ 8h tối nay. Hiện đường còn ít người đi lại.
Phó Thủ tướng cho rằng, chống bão tận dụng từng giờ, vừa họp vừa điều hành. “Tôi hỏi các đồng chí thuyền bè còn người trên tàu không?. Tôi vừa đi kiểm tra ở khu neo đậu, Quảng Trị, 400 tàu vào neo đậu nhưng có tàu vẫn sáng đèn, đề nghị cho lực lượng xuống kiểm tra tất cả tàu thuyền xem còn người không”, Phó Thủ tướng lưu ý Chủ tịch Đà Nẵng cho kiểm tra và báo cáo lại.
Không để sơ suất
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, đến 3h chiều nay, tỉnh đã di dân xong với 14.443 hộ.
“Chúng tôi đã cho học sinh nghỉ học hôm nay và ngày mai, 21h tối nay cấm người dân ra đường”, ông Phương thông tin.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã di dân ở khu vực sạt lở cao và yêu cầu các địa phương theo dõi, dứt bão là hộ đê, gia cố ngay đá hộc, bao cát, vải bạt. Các tàu thuyền cũng đã vào nơi trú tránh an toàn.
“Tỉnh đã nâng cấp 1 số âu thuyền đáp ứng cho tàu thuyền neo đậu, không chỉ cho tỉnh mà cả các địa phương bạn. Với cơ sở hạ tầng tốt, người dân tự giác không có mặt trên tàu. Trước đây khi không có hạ tầng tốt, người dân vẫn ở lại tàu để tát nước mưa. Chúng tôi kiểm tra 100% đã khoá cửa cabin, người dân đã di dời hết. Chúng tôi dự trữ sẵn một cơ số lương thực gồm: 100 tấn mì ăn liền và 100 tấn gạo. Cố gắng bảo đảm lương thực cho 5-7 ngày khi bị chia cắt”, Chủ tịch Thừa Thiên - Huế cho hay.
Từ đầu cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, tỉnh đã thành lập một số tổ ở những xã có tàu thuyền nhiều để kiểm tra lần nữa, không để dân ở lại tàu. Hiện nay các tổ đã phân nhau đi kiểm tra rà soát các phương án đã triển khai.
Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cũng cho biết, năm nào tỉnh cũng chống chọi với thiên tai, nên có nhiều kinh nghiệm. Mục tiêu đặt ra là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, bảo vệ tài sản người dân và Nhà nước và bảo vệ các công trình.
Ông thông tin, 100% tàu thuyền Quảng Ngãi đã vào bờ, tránh trú bão an toàn; di dời 95.000 nhân khẩu đến nơi trú tránh an toàn.
Tỉnh cũng đã yêu cầu chủ lồng bè có biện pháp bảo đảm an toàn, nếu nuôi ở cửa biển thì neo vào nơi an toàn.
Quảng Ngãi đã xây dựng 3 kịch bản: Ứng phó với bão; ứng phó với mưa, sạt lở núi và ứng phó lũ lụt.
“Đến giờ phút này, tất cả phương án đã triển khai thực hiện xong. Quảng Ngãi đã sẵn sàng cho tất cả kịch bản, nếu vượt khả năng của tỉnh thì sẽ báo cáo Trung ương”, ông Minh nói.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành hoan nghênh các tỉnh thành đã chuẩn bị các phương án kỹ càng, có nhiều kinh nghiệm.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua. Đợt này, bão lớn như vậy, đã làm tốt rồi thì phải cố gắng hơn, không để sơ suất.
“Tối nay tôi sẽ trực ở Thừa Thiên - Huế xuyên đêm, các đồng chí vẫn đi điều hành bình thường, khi có sự cố, vấn đề phát sinh thì về phòng điều hành trao đổi”, Phó Thủ tướng căn dặn.