Phiếu tín nhiệm và trách nhiệm nêu gương từ người nhà quan chức

Ngoài việc nêu gương của người lãnh đạo, cán bộ đứng đầu thì sự gương mẫu của những người thân là vợ, chồng, con hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng và quyết định đến quá trình thăng tiến hay thụt lùi của mỗi cán bộ, đảng viên.

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 96 về lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Một trong những nội dung khiến dư luận chú ý là sự gương mẫu của vợ, chồng, con của cán bộ lãnh đạo, quản lý là một trong những tiêu chí để đưa ra xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm.

Có thể thấy đây không phải là lần đầu tiên Đảng ta đề cập về vấn đề nêu gương đối với người thân của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các công tác công tác cán bộ. Cách đây 7 năm, trong báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH TƯ khóa 11 (2016) do Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh ký, đã chỉ ra khuyết điểm của một số ủy viên Trung ương còn chưa gương mẫu hoặc để vợ, con, người thân, cấp dưới lợi dụng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. 

Vấn đề nêu gương của người đứng đầu nói chung và vấn đề gương mẫu của vợ, chồng, con của cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhiều lần trong các cuộc họp, hội nghị “chân mình còn lấm bê bê lại cầm bó đuốc đi rê chân người” hay như trích dẫn “Ông về ông bảo vợ con ông đi, ông về nhìn vào bản thân ông đi, ông đừng đi dạy tôi” được người đứng đầu Đảng ta nêu lên tại phiên họp lần thứ 23 vào ngày 12/01/2023 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhằm nhấn mạnh về tầm quan trọng của trong việc nêu gương của cán bộ, đặc biệt là những cán bộ, lãnh đạo “càng cao thì càng phải gương mẫu”.

Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII. Ảnh: Nhật Bắc

Trong suốt nhiệm kì Đại hội XII, Đảng ta rất coi trọng công tác nhân sự nói chung và vấn đề này nói riêng. Bởi lẽ, thực hiện tốt việc nêu gương của người đứng đầu góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như lựa chọn được những cán bộ, lãnh đạo có phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kì mới. 

Tại lễ bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ XII vào tháng 5/2020 Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính. 

Từ những kết luận sâu sắc trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng ta dần cụ thể hóa vấn đề gương mẫu của vợ, chồng, con của cán bộ chủ chốt, giữ những chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị vào trong những quy chế, quy định của Đảng. 

Điển hình gần đây nhất, Quyết định số 37 của TW ban hành năm 2021 quy định về 19 điều Đảng viên không được làm, đề cập tới việc cấm đảng viên để vợ, chồng, con, bố, mẹ anh chị ...và người khác lợi dụng, chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi.

Bắt nguồn từ thực tế cuộc sống và quá trình lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, dần dần các quan điểm, nhận thức và chủ trương của Đảng có tính chất bao quát nhất, chung nhất đã được Đảng ta vận dụng, phân nhỏ, thiết chế hóa các nội dung nêu gương của cán bộ và người thân vào một số quy định cụ thể, chi tiết hơn. Những quy định trước là tiền đề và có mối liên hệ qua lại, bổ trợ cho nhau nhằm phục vụ nhiều nhiệm vụ chính trị như: đánh giá, đề bạt, quy hoạch, miễn nhiệm, từ chức hoặc cho thôi nhiệm vụ cũng như là cơ sở để đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. 

Quy định số 96 là một minh chứng như thế. Nói như người đứng đầu Đảng ta thì nó là phương pháp, là cách làm được Đảng ta tiếp tục hoàn thiện, bổ sung dần để phù hợp với thực tiễn cách mạng của Đảng như đã nêu trên. 

Có thể khẳng định, đây là bước chuẩn bị từ sớm, từ xa để kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức hoặc miễn nhiệm ngay đối với những cán bộ không đạt yêu cầu, không đáp ứng được đạo đức, phẩm chất và năng lực trong tình hình mới cũng như góp phần vào hoàn thiện thiết chế “không dám, không thể” trong thể chế “không thể, không dám, không muốn và không cần” tham nhũng.

Như vậy, ngoài việc nêu gương của người lãnh đạo, cán bộ đứng đầu thì sự gương mẫu của những người thân là vợ, chồng, con hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng và quyết định đến quá trình thăng tiến hay thụt lùi của mỗi cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt việc nêu gương từ bản thân, vợ, chồng, con của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp là yếu tố cơ bản để người cán bộ có thể an tâm, vững vàng trên con đường phụng sự Đảng, dân tộc và đất nước.