Những cái bắt tay hợp tác bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN - EU

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU tại Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ người đồng cấp cũng như lãnh đạo nhiều nước trong EU, ASEAN và một số nước đối tác của Việt Nam.

Tại các cuộc gặp, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị lãnh đạo các nước EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU, ủng hộ để EU sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, tạo điều kiện để thủy sản Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

Thủ tướng Antonio Costa cam kết Bồ Đào Nha sẽ hỗ trợ tối đa để EU gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam; sẵn sàng tạo điều kiện để hoa quả theo mùa và thủy sản của Việt Nam có mặt nhiều hơn ở thị trường EU và Bồ Đào Nha. Chính phủ Bồ Đào Nha ủng hộ và mong muốn hiệp định EVIPA được phê chuẩn trong năm 2023.

Gặp Thủ tướng Czech Petr Fiala, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện để các mặt hàng chủ lực của Czech như đồ thủy tinh pha lê, bia, thực phẩm, thiết bị, máy móc, phụ tùng nhập khẩu vào Việt Nam. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị Czech tạo thuận lợi cho hàng dệt may, da giày, nông sản, hải sản, hoa quả nhiệt đới của Việt Nam...

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tập trung đẩy mạnh hợp tác thương mại, tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3 tỷ USD trong 2-3 năm tới. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị phía Ba Lan tạo thuận lợi cho thủy, hải sản, hoa quả nhiệt đới theo mùa của Việt Nam như vải, nhãn, thanh long… 

Thủ tướng Mateusz Morawiecki nhất trí với những ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và mong muốn thúc đẩy hợp tác hai nước trong các lĩnh vực thương mại, y dược, đóng tàu, quốc phòng, chế tạo máy. Ba Lan luôn mong muốn được chào đón thêm nhiều người Việt Nam đến học tập và sinh sống ở Ba Lan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hy Lạp Kyriákos Mitsotákis nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại, coi đây là ưu tiên chính cho quan hệ hai nước. Thủ tướng Hy Lạp đề xuất hai bên tăng cường hợp tác năng lượng, cơ sở hạ tầng, vận tải đường biển, đóng tàu, du lịch. Ông cũng cam kết sẽ tạo điều kiện để sản phẩm nông sản của Việt Nam tiếp cận thị trường Hy Lạp và sẵn sàng tiếp nhận lao động Việt Nam đến Hy Lạp làm việc.
Gặp Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Italy và đề nghị hai bên tranh thủ những cơ hội hợp tác từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 7 tỷ USD trong 2-3 năm tới.

Tại cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị EU hỗ trợ Việt Nam trong phát triển kinh tế biển, tạo điều kiện cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như nông, thủy sản, sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU đối với hàng thuỷ sản Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững.

Bà Ursula von der Leyen hoan nghênh việc Việt Nam và G7 đã thông qua Tuyên bố chính trị về thiết lập Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), khẳng định đây là bước tiến quan trọng để mở đường cho EU tăng cường đầu tư vào các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới chuyển đổi xanh, phát triển xanh ở Việt Nam. Về vấn đề "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam, Chủ tịch EC ghi nhận bước tiến mà hai bên đã đạt được trong xử lý vấn đề này. 

Gặp Tổng thống Romania Klaus Iohannis, Thủ tướng đề nghị hai bên nghiên cứu tận dụng linh hoạt hình thức vận tải hàng không, đường sắt, đường biển để tối ưu hóa chi phí và thời gian vận chuyển các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh như thủy hải sản, nông sản của Việt Nam, cũng như thực phẩm, đồ gia dụng, đồ gỗ của Romania. Tổng thống Romania mong hai nước tăng cường phối hợp để cùng nhau vượt qua những thách thức chung cả trong hiện tại và tương lai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen khẳng định, dù tình hình thế giới, khu vực biến động phức tạp, song quan hệ hữu nghị và đoàn kết đặc biệt của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia vẫn ngày càng được củng cố vững chắc và phát triển toàn diện. 

Lãnh đạo ba nước nhất trí cùng nhau đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn liền với hội nhập quốc tế toàn diện; tăng cường kết nối hiệu quả ba nền kinh tế, coi đây là những ưu tiên chiến lược của cả ba nước trong thời gian tới. 

Ảnh: Bắc Giang