Liên Hợp Quốc biết ơn trước cống hiến, phụng sự của chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam
Bộ Quốc phòng sáng 26/11 phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội nghị quốc tế về Phụ nữ với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (GGHB LHQ).
Hội nghị do Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Jean-Pierre Lacroix đồng chủ trì.
Tháng 1/2018, Việt Nam đã cử nữ sĩ quan đầu tiên tham gia hoạt động GGHB LHQ theo hình thức cá nhân trên cương vị sĩ quan tham mưu tác chiến tại Phái bộ Nam Sudan. Việt Nam luôn duy trì tỉ lệ cao đối với lực lượng nữ thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ. Tỉ lệ nữ hoạt động theo hình thức cá nhân của Việt Nam hiện nay đạt 20%.
Đến tháng 5/2022, Việt Nam đã triển khai thành công Đội Công binh hạng nhẹ đến Phái bộ UNISFA tại Abyei, Cộng hòa Sudan, tỉ lệ nữ của Đội Công binh đạt gần 12%. Nhìn chung, đến nay Việt Nam đã đạt tỷ lệ nữ quân nhân tham gia các hoạt động GGHB LHQ khá cao so với tỷ lệ chung của LHQ. Đặc biệt là, 100% nữ cán bộ, sĩ quan của Việt Nam đều tình nguyện lên đường thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ tại các Phái bộ. Có nhiều nữ quân nhân sẵn sàng xung phong tiếp tục được triển khai tới địa bàn sau khi kết thúc nhiệm kỳ.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng (Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam) cho biết, tại các phái bộ, nữ quân nhân của Việt Nam đảm nhiệm nhiều vị trí công tác khác nhau như quan sát viên quân sự, sĩ quan tham mưu tác chiến, sĩ quan tham mưu huấn luyện, bác sĩ, điều dưỡng… đều được LHQ đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ sau khi kết thúc nhiệm kỳ.
Lực lượng nữ quân nhân Việt Nam cũng là điểm sáng trong nhiều hoạt động của LHQ tại các phái bộ, nhất là trong công tác đối ngoại nhân dân. Những việc làm của nữ quân nhân Việt Nam giúp nhân dân Nam Sudan, CH Trung Phi và khu vực Abyei trồng rau xanh, hỗ trợ chăm sóc con cái, dạy học cho trẻ nhỏ, khám chữa bệnh từ thiện cho người dân, làm đường đến trường, chống ngập lụt, xây dựng trường học, dạy tiếng Anh, tin học… lan tỏa nét đẹp về nữ quân nhân và hình ảnh phụ nữ Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Theo Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, từ năm 2014, Việt Nam đã cử lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ, là bước đột phá nhằm hiện thực hóa đường lối đối ngoại của đất nước, đồng thời đánh dấu sự thay đổi cả về chất và lượng trong hoạt động hợp tác đa phương nói chung và về quốc phòng, an ninh nói riêng.
Hiện hơn 70 trong tổng số 512 quân nhân đã được triển khai đến Phái bộ GGHB LHQ là nữ trong đó 9 nữ sĩ quan được triển khai theo hình thức cá nhân, 21 nữ quân nhân thuộc Đội Công binh số 1 và 45 nữ quân nhân thuộc các Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam.
"Đây có thể được xem là tỷ lệ đáng khích lệ, song Việt Nam nhận thức rằng, để có sự tham gia bền vững của phụ nữ trong lực lượng Gìn giữ hòa bình của mình, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của LHQ, chúng tôi sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Đây không chỉ là khó khăn đối với riêng Việt Nam mà còn đối với tất cả các nước cử quân khác trên thế giới. Việt Nam cam kết nỗ lực thúc đẩy Chương trình Nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh và đặc biệt là vai trò của Phụ nữ trong hoạt động GGHB LHQ", Thứ trưởng khẳng định.
Phó Tổng thư ký LHQ Jean-Pierre Lacroix bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả những nam, nữ quân nhân đến từ Việt Nam đã và đang phục vụ trong các phái bộ GGHB của LHQ. "Sự cống hiến, tính chuyên nghiệp xuất sắc của họ đối với các giá trị của LHQ đã tạo nên giúp đỡ cho nhiều nhóm dân cư và cộng đồng dễ bị tổn thương. LHQ vô cùng biết ơn vì phụng sự này", Phó Tổng thư ký LHQ chia sẻ.
Phó Tổng thư ký cho rằng, Việt Nam thực sự đi đầu trong chương trình nghị sự về phụ nữ, hoà bình, an ninh. Việt Nam cũng đang hiện thực hoá các cam kết đã được thông qua Hội nghị Bộ trưởng GGHB tại Seoul (Hàn Quốc).
Ông phân tích, các hoạt động GGHB của LHQ là một đóng góp quan trọng cho an ninh quốc tế, tuy nhiên hiện nay thế giới đang phải đối mặt với các thách thức toàn cầu chưa từng có. Trong bối cảnh đó lực lượng GGHB của LHQ đang đặt chương trình nghị sự phụ nữ hoà bình và an ninh làm ưu tiên chính trị cốt lõi và cũng là nguyên tắc chỉ đạo.
Ông dẫn chứng, tại phái bộ Nam Sudan, Việt Nam là một bên đóng góp rất quan trọng, đã cải thiện các nỗ lực xây dựng lòng tin giữa các cộng đồng sở tại bằng cách đưa cả phụ nữ và nam giới vào các cuộc tuần tra, thực hiện nhiệm vụ. Nữ quân nhân GGHB mang lại sự tin tưởng cao hơn và họ là những hình mẫu đăc biệt với phụ nữ và trẻ em gái của nước sở tại.
"Khi phụ nữ được hỗ trợ thay vì hạ thấp thì họ sẽ phát huy khả năng và năng lực lãnh đạo của mình và các hoạt động GGHB sẽ được hưởng lợi từ điều đó. Đó là lý do vì sao chúng tôi nói có càng nhiều nữ quân nhân GGHB thì càng có nhiều hoà bình", Phó Tổng thư ký nhấn mạnh.
Trong giai đoạn 2021-2023, LHQ đang nỗ lực triển khai cho những đóng góp của phụ nữ trong GGHB thuộc quân đội, công an qua các hình thức cá nhân và cả trong các trung đội quân sự…Ông Jean-Pierre Lacroix hy vọng sẽ có thêm nhiều lãnh đạo nữ trong hoạt động GGHB và LHQ khuyến khích các quốc gia gửi các ứng viên phù hợp.