Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Chúng ta phải làm gì để đánh thức, khơi dậy và phát huy hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc trong thời kỳ mới? VietNamNet có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về vấn đề này.
Động lực phát triển
Trong quá trình tiến đến thịnh vượng của mỗi quốc gia không thể thiếu động lực là khát vọng phát triển. Vậy khát vọng là gì và có vai trò ra sao với sự phát triển của mỗi quốc gia, thưa ông?
Đối với một cá nhân, một cộng đồng hay một quốc gia dân tộc, quá trình phát triển đều không thể thiếu yếu tố gọi là khát vọng. Khát vọng có thể hiểu một cách đơn giản đó là những nhu cầu, mong đợi, lợi ích của cá nhân hay một tập thể, cộng đồng nào đó và những điều tốt đẹp, tích cực mà họ muốn đạt được.
Ví dụ chúng ta hay nói về khát vọng thịnh vượng hay là khát vọng độc lập, tự do. Đấy là những giá trị mang tính phổ quát mà mọi thành viên trong cộng đồng có thể hướng đến, và khát khao muốn đạt được. Khát vọng đó mang tính tinh thần, có khả năng tập hợp lực lượng, kết nối được mọi cá nhân lại với nhau để hướng đến hiện thực hóa, trên thực tế là để đem lại sự thụ hưởng cho từng thành viên trong cộng đồng cụ thể nào đó.
Với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay Trung Quốc, tính trong giai đoạn phát triển từ khoảng giữa thế kỷ 19 cho đến nay, chúng ta thấy yếu tố khát vọng luôn giữ vai trò nổi bật.
Nước Nhật từ khoảng nửa sau thế kỷ 19, trước mối đe dọa từ các nước phương Tây, họ đã có khát vọng hùng cường. Họ phải thích ứng và làm sao đó để tránh được mối đe dọa từ chủ nghĩa thực dân phương Tây. Chính từ đó khiến các nhà tư tưởng của Nhật Bản đã đề ra các tư tưởng, tạo sự tác động và khuyến khích, truyền cảm hứng cho mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội để họ có thể thay đổi và thích ứng, đưa đất nước thực hiện cải cách để tiến lên con đường hùng cường, để có thể cạnh tranh được với các nước phương Tây và tránh được họa thực dân xâm lược.
Hay các nước nhỏ như Singapore, khoảng từ những năm 1960, thời kỳ đó các nhà lãnh đạo Singapore, điển hình nhất là ông Lý Quang Diệu có khát vọng đưa đảo quốc này trở thành quốc gia hạng nhất, công dân trở thành công dân của quốc gia phát triển nhất. Sau hơn 30 năm Singapore đã hiện thực hóa được khát vọng này.
Gần đây hơn nữa là Trung Quốc. Từ cuối những năm 1970 đến 1980 họ có khát vọng đưa đất nước trở lại vị trí là trung tâm trong trật tự thế giới và có thể sánh vai, cạnh tranh sòng phẳng với các nước nhất là phương Tây và Mỹ. Sau khoảng 40 năm tiến hành đổi mới đến nay, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với những sức mạnh trên nhiều phương diện chứ không chỉ là sự giàu có về kinh tế.
Tóm lại, trên bình diện thế giới, sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào không thể thiếu yếu tố khát vọng. Khát vọng về bản chất nó là sự phản ánh các giá trị mà mọi thành viên trong một cộng đồng đều hướng đến, khát khao, mong muốn đạt được. Vì vậy nó có tác động động truyền cảm hứng, kích thích và kết nối con người để tạo ra sức mạnh tập thể hiện thực hóa khát vọng.
Con đường thịnh vượng của quốc gia không thể thiếu tư tưởng hùng cường
Lịch sử cho thấy việc khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng phát triển ở mỗi quốc gia không thể thiếu đi sự dẫn dắt của các tư tưởng truyền cảm hứng. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Chúng ta nói về khát vọng với tư cách là những nhu cầu, lợi ích, mong muốn mà người dân của một quốc gia nào đó muốn hướng đến và đạt được. Khát vọng cụ thể ấy là một tập hợp các hệ giá trị mang tính tư tưởng truyền cảm hứng.
Tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của tư tưởng. Chúng ta muốn hướng đến một quốc gia hùng cường thì trước hết phải có một hệ tư tưởng dẫn dắt đến sự hùng cường đó, tôi tạm gọi là tư tưởng hùng cường truyền cảm hứng để mọi người, mọi tầng lớp, giai cấp, mọi lực lượng trong xã hội cùng chung hướng nhìn.
Giá trị tư tưởng ấy như một ngọn cờ mà mọi người cùng hướng về, truyền cảm hứng cho họ, tập hợp được sự ủng hộ, kết nối được sức mạnh của từng cá nhân, từng giai cấp, tầng lớp, huy động được mọi nguồn lực trong xã hội và từ đó sẽ cùng nhau hiện thực hóa.
Có thể nói con đường thịnh vượng và phát triển của một quốc gia không thể thiếu yếu tố tư tưởng hùng cường và khát vọng hùng cường.
Hiện thực hóa khát vọng quốc gia phát triển
Khi chúng ta đã rõ đường hướng phát triển, cần những yếu tố nào để có thể hiện thực hóa được khát vọng quốc gia phát triển vào năm 2045, thưa ông?
Tôi cho rằng, chúng ta cần có hệ tư tưởng mang tính dẫn dắt. Đảng đã kiên trì và nhất quán nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Mác-Lênin hướng đến một xã hội đề cao sự công bằng. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tinh thần độc lập dân tộc và tự do cho nhân dân. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, chúng ta bổ sung thêm những giá trị như: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Chúng ta đã có một tầm nhìn lãnh đạo, có hệ giá trị mang tính dẫn dắt truyền cảm hứng. Thách thức là phải làm sao hiện đại hóa được hệ thống quản trị quốc gia. Bối cảnh hiện nay thế giới trở nên phẳng hơn, phụ thuộc nhau hơn và phức tạp hơn thì những tư duy quản lý truyền thống trước đây có thể không còn phù hợp.
Chúng ta phải làm sao hiện đại hóa được hệ thống quản trị quốc gia và tập hợp được sự ủng hộ của mọi lực lượng xã hội, từ đó huy động mọi nguồn lực xã hội để chung tay hiện thực hóa tầm nhìn 2045.
Tiếp đến là chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý. Làm thế nào để xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ năng lực phù hợp với bối cảnh hiện nay, đủ năng lực tầm vóc trong hơn 20 năm nữa có thể hiện thực hóa mục tiêu 2045.
Tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của tư tưởng hướng đến một quốc gia hùng cường. Khi chúng ta có một hệ tư tưởng vừa giữ vững, đảm bảo nguyên tắc nền tảng nhưng cũng được bồi đắp thêm những yếu tố hiện đại, mang màu sắc hiện đại gắn với nhu cầu và nguyện vọng của quốc gia với tư cách một cộng đồng hướng về phía trước thì khi đó, hệ tư tưởng với vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng sẽ tự khắc giúp chúng ta tạo ra được chuyển động ở các yếu tố tiếp theo. Ví dụ như hệ thống quản trị quốc gia, vai trò của từng cá nhân hay tổ chức hay doanh nghiệp hoặc chính quyền.