Hà Nội: 8 người tử vong do sốt xuất huyết trong 1,5 tháng
Những con số đáng báo động về dịch sốt xuất huyết
Người Hà Nội còn thờ ơ trước thềm đỉnh dịch sốt xuất huyết
Đỉnh dịch sốt xuất huyết có thể vào tháng 11 và 12
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, tính đến 28/10, trên địa bàn Thủ đô ghi nhận 9.404 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc tăng 3,3 lần. Riêng trong tuần qua ghi nhận hơn 1.200 ca mắc và 3 trường hợp tử vong. Các quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân là: Đan Phượng, Thanh Oai, Thanh Trì, Đống Đa, Thường Tín, Hà Đông.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Chúng tôi chủ động phân công các bệnh viện tham gia điều trị. Các bệnh viện đều bố trí cơ số giường để điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết và đã tổ chức hệ thống quản lý phân tầng, phân tuyến, thu dung điều trị bệnh nhân khoa học theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, đảm bảo đầy đủ nhu cầu điều trị của người dân.
Chúng tôi cũng chỉ đạo Bệnh viện Đống Đa là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm tổ chức các buổi đào tạo tập huấn cho các cán bộ y tế trong toàn bộ hệ thống y tế kể cả công lập và ngoài công lập về phác đồ chuẩn đoán, nâng cao năng lực của các cơ sở khám chữa bệnh”.
Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 800 ổ dịch sốt xuất huyết và hiện còn 138 ổ dịch đang hoạt động. Những ổ dịch nhiều bệnh nhân nằm ở thôn Bùng- Phùng Xá- Thạch Thất, Ngọc Đình- Hồng Dương- Thanh Oai, Phượng Trì- Thị Trấn Phùng- Đan Phượng.
Sở Y tế đã đề nghị các quận huyện thị xã tăng cường biện pháp phòng chống như diệt muỗi, bọ gậy; giám sát, phát hiện sớm ổ dịch để khoanh vùng xử lý sớm nhất. Dự báo đỉnh dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội có thể rơi vào trung tuần tháng 11.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội khuyến cáo: “Khi người dân có những biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người thì nên đến các cơ sở y tế để khám và làm xét nghiệm, để nhận được chỉ dẫn chính xác nhất từ phía thầy thuốc. Không được tự ý truyền dịch, truyền đạm hoặc dung dịch cao phân tử tại nhà, không tự đi mua thuốc về uống…
Đa số trường hợp mắc sốt xuất huyết là lành tính, nhưng trên những cơ địa đặc biệt hoặc trong những giai đoạn bệnh trở nặng, những ngày đặc biệt của giai đoạn bệnh thì cần được làm xét nghiệm và theo dõi chặt chẽ , để khi bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo sẽ được can thiệp ngay, điều trị kịp thời, chứ không để lúc bệnh diễn biến nặng mới xử lý thì rất nguy hiểm tính mạng”.
Văn Hải(VOV1)