Gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc: 'Anh ra thì lại có chị vào'
VietNamNet phỏng vấn TS Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ xung quanh câu chuyện cán bộ, công chức, viên chức thôi việc khu vực công chuyển sang khu vực tư gần đây.
Công viên chức thôi việc là chuyện hết sức bình thường
Theo con số Bộ Nội vụ vừa công bố, trong 2,5 năm qua có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc ở khu vực công chuyển sang khu vực tư. Là người có kinh nghiệm lâu năm làm công tác quản lý cán bộ, theo ông đây có phải là hiện tượng đáng quan ngại?
Tôi cho rằng không có gì đáng quan ngại cả, nhưng cũng không chủ quan, khinh địch, cần quan tâm để tiếp tục có những cải cách về công vụ phù hợp và thích ứng với cơ chế thị trường định hướng XHCN.
Con số gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc, mặc dù chỉ chiếm khoảng 2% so với tổng số biên chế trong thời gian hơn 2 năm nhưng cũng cần tìm ra đúng các nguyên nhân khiến một số công chức, viên chức xin thôi việc. Tìm ra được nguyên nhân mới chỉ là sơ khởi, cái quan trọng là phải đưa ra được các kiến giải về vấn đề này.
Vừa qua, một số ý kiến đã gọi đó là “làn sóng nghỉ việc” khiến cho người nghe thấy hoang mang. Theo tôi cách gọi đó chưa chính xác, có tác động xấu và tạo sức ép lớn không chỉ đối với các cơ quan quản lý mà cả đối với mọi người. Cần lưu ý là có “thôi việc” thì sẽ có “tuyển dụng”, “có anh ra thì lại có chị vào”, “có người rời đi thì sẽ có người gia nhập”.
Không nên lo ngại thiếu người làm việc, mà hãy lo tại sao lại còn những người yếu năng lực, thiếu phẩm chất và tinh thần cống hiến phục vụ nhân dân trong cơ quan.
Tôi cho rằng, vấn đề thôi việc là chuyện hết sức bình thường trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Hàng năm, các cơ quan vẫn tuyển dụng mới để thay thế những người nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác… nhưng chưa bao giờ nói là “làn sóng tuyển dụng”.
Như vậy, bên cạnh giải quyết thôi việc, công tác tuyển dụng mới vẫn luôn tiến hành đồng thời. Thống kê trong cùng khoảng thời gian từ dịch đến nay, các cơ quan nhà nước đã tuyển dụng mới khoảng trên 5.000 biên chế. Và việc tuyển dụng cũng có sức cạnh tranh rất lớn.
Gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc nhưng vì sao ông lại coi đó là chuyện hết sức bình thường ?
Thứ nhất, con số thôi việc này trong khoảng hơn 2 năm và chỉ chiếm khoảng 2% tổng biên chế công chức, viên chức cả nước (khoảng 0,8%/năm). Trong khi chỉ tiêu tinh giản biên chế đặt ra từ 2021 đến 2026 là phải giảm 15%.
Thứ hai, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, người lao động có quyền được lựa chọn nơi làm việc có tiền lương và thu nhập cao hơn, dù là khu vực công hay tư. Việc dịch chuyển cơ cấu nhân lực từ khu vực này sang khu vực khác được vận hành bởi cơ chế và quy luật thị trường.
Nhất là hiện nay, kinh tế tư nhân phát triển, mọi thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật. Các quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu, giá cả điều tiết mọi nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực. Trong điều kiện như vậy, tư duy nhận thức về lao động đã thay đổi, không còn phân biệt làm việc ở khu vực công hay khu vực tư nữa. Các dòng sông đều chảy và ai cũng có chỗ đứng của mình dưới ánh nắng mặt trời.
Thứ ba, khi có người thôi việc, các cơ quan, tổ chức sẽ lại tổ chức tuyển dụng những người mới để thay thế những người đã thôi việc. Tuyển dụng và thôi việc là các nội dung của quản lý đội ngũ công chức, viên chức. Các kỳ thi tuyển công chức, viên chức trong thời gian gần đây vẫn có tính cạnh tranh rất cao.
Bây giờ đã khác với thời còn cơ chế kế hoạch hóa tập trung, mọi cái được Nhà nước bao cấp, kinh tế tư nhân chưa phát triển, chủ yếu là kinh tế nhà nước, quốc doanh, tập thể, hợp tác xã, cộng với chế độ phân phối bình quân, thị trường 1 giá,… Lực lượng lao động trong khu vực nhà nước, dù hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, nông lâm trường hay doanh nghiệp khi đó đều gọi chung là “cán bộ công nhân viên chức nhà nước”. Ở giai đoạn đó, vào biên chế nhà nước như là một lựa chọn tốt nhất, cho cuộc sống ổn định. Hồi đó, rất ít trường hợp xin thôi việc.
Tôi và nhiều người hiện nay đều nghĩ rằng, lao động ở khu vực công hay tư cũng đều đáng quý, đáng coi trọng, vì đều góp phần xây dựng và phát triển đất nước, phục vụ nhân dân.
Vào công chức, viên chức mà muốn làm giàu thì chỉ có vi phạm pháp luật
Theo như chia sẻ của một số người trong cuộc cũng như phân tích của một số chuyên gia, nguyên nhân chính khiến nhiều người từ bỏ khu vực công là do chế độ tiền lương Nhà nước quá thấp, không đủ sống. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Phải nói rằng hầu như năm nào cũng có công chức, viên chức xin thôi việc vì nhiều lý do khác nhau. Gần đây xin thôi việc có tăng lên do nguyên nhân khách quan từ tình hình dịch Covid-19 gây ra một số khó khăn, ảnh hưởng đến công việc cũng như đời sống của cán bộ, công chức, viên chức nên họ chuyển hướng công việc.
Công chức thì cũng là người lao động, cũng phải lo cho cuộc sống của mình cho nên tiền lương với họ cũng rất quan trọng. Họ cũng cần mức lương phù hợp với mức độ làm việc, cống hiến, phục vụ, phù hợp với giá cả thị trường để làm việc, cống hiến và nuôi sống gia đình. Mà người lao động trong thị trường nếu đã có đủ năng lực, sức khỏe thì cứ lương cao, môi trường làm việc tốt là hấp dẫn rồi.
Tuy nhiên, khi nói đến công chức, viên chức thôi việc mà chỉ đề cập đến mỗi nhân tố tiền lương thì chưa đầy đủ. Ai cũng hiểu cuộc sống, tiền là quan trọng nhưng không phải là tất cả. Và lao động của công chức, viên chức là một loại lao động vinh dự, trong đó luôn có tinh thần cống hiến và phục vụ nhân dân. Do đó, phải xem xét đến các nhân tố khác như nhận thức, tư tưởng và động cơ tham gia vào công vụ, môi trường làm việc, động lực làm việc,...
Thực tế vừa qua, trong số công chức, viên chức thôi việc có cả lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng- những người này chắc lương không thấp. Họ thôi việc chắc phải vì lý do, nguyên nhân khác, không phải vì lương.
Vì vậy, nói công chức, viên chức thôi việc vì lương thấp cũng có nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu và duy nhất. Tuy nhiên, với lao động cống hiến và phục vụ của công chức, viên chức, Nhà nước cần quan tâm cải cách tiền lương và có chính sách đãi ngộ.
Người vào cơ quan nhà nước phải xác định động cơ, tư tưởng để cống hiến, phục vụ nhân dân, đất nước và chấp nhận một chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, không cao như khu vực tư nhưng phải có tính cạnh tranh ở một mức độ nhất định với khu vực doanh nghiệp.
Vậy liệu có phải do thời gian gần đây, nhiều cán bộ nhà nước vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí là xử lý hình sự dẫn đến tâm lý sợ rủi ro, sợ làm sai bị xử lý nên "thôi chuyển ra tư nhân làm cho an toàn"?
Tôi nghĩ làm trong cơ quan nhà nước mà giải quyết công việc theo đúng quy định của pháp luật, vô tư, trong sáng, không vụ lợi thì chẳng bao giờ phải lo sợ rủi ro, bị xử lý cả. Làm nhiều thì không tránh khỏi có việc sai, việc chưa đúng nhưng không tham nhũng, không vụ lợi là được. Còn chuyển ra tư nhân, doanh nghiệp mà vi phạm pháp luật thì cũng bị xử lý như làm ở khu vực công, làm sao mà an toàn khi có sai phạm được.
Tất nhiên, cũng có nguyên nhân khác khi thôi việc mà chưa ai hoặc ít ai nói ra, đó là công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đẩy mạnh, môi trường làm việc ở công sở ngày càng trong sạch, liêm chính. Vì thế mà cán bộ, công chức không thể “nhũng nhiễu”, “vận dụng” hoặc làm trái quy định để kiếm chác, có thêm thu nhập. Điều đó làm một số người mất đi cơ hội để bổ sung thêm thu nhập ngoài lương vốn dĩ không phải lúc nào cũng đúng pháp luật.
Pháp luật về công chức, viên chức đều quy định công chức, viên chức phải tận tụy phục vụ nhân dân, cống hiến cho đất nước. Nhìn chung ở nhiều nước, không riêng Việt Nam, mức lương nhà nước thường thấp hơn khu vực tư.
Vì vậy, vào công chức, viên chức mà muốn làm giàu thì chỉ có vi phạm pháp luật; muốn lương cao hơn thì nên chuyển sang doanh nghiệp; còn nếu tập trung quá vào chức vụ, tìm mọi cách tiến lên mà coi nhẹ trách nhiệm và sự cống hiến thì sẽ không bền, dễ vướng sai phạm và bị xử lý.
Người đứng đầu phải dũng cảm, khách quan, công bằng
Lãnh đạo một cơ quan từng chia sẻ rằng: “Có những người thực sự muốn giữ lại nhưng không giữ được. Còn có người thực không muốn giữ thì họ lại không đi và cơ quan không có cách nào cho người ta đi”. Bài toán đặt ra là làm sao tinh giản được đúng người cần tinh giản và giữ lại được cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ, thưa ông ?
Ở đây có 2 vấn đề. Thứ nhất, liên quan đến việc tinh giản biên chế. Việc tinh giản biên chế phải thực hiện trên cơ sở đánh giá, phân loại công chức, viên chức. Những người không đáp ứng được yêu cầu công việc, không hoàn thành được nhiệm vụ thì phải đưa vào diện tinh giản biên chế.
Vấn đề là người đứng đầu phải dũng cảm, khách quan, công bằng trong đánh giá, phân loại để từ đó tinh giản biên chế được thực hiện đúng người, đúng quy định. Không nên nghĩ rằng không có cách nào đưa những người yếu, kém ra được.
Thứ hai, liên quan đến việc thu hút, giữ chân người làm được việc, có năng lực, có phẩm chất và có tinh thần cống hiến, tận tụy làm việc. Vấn đề này ngoài cơ chế, chính sách của Nhà nước về thu hút, trọng dụng người tài, người có năng lực, trình độ thì vai trò, trách nhiệm và tài của người đứng đầu rất quan trọng trong việc tìm kiếm, phát hiện và dám sử dụng người giỏi, tâm huyết với công việc; thiết kế môi trường tạo dựng động lực làm việc,…
Tôi nghĩ đã tới lúc mà người đứng đầu các cơ quan, đơn vị sẽ phải đi tìm, kiếm và mời người có tâm, có đức, có năng lực, trình độ và sẵn sàng cống hiến, phục vụ đất nước về làm việc.
Xin cảm ơn ông!