Đại biểu truy Bộ trưởng: Vì sao ưu tiên xây cao ốc hơn công viên sau di dời nhà máy
Chiều 3/11, chất vấn Bộ trưởng Xây dựng, đại biểu Quốc hội nêu hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc di dời trụ sở nhà máy, trường đại học, bệnh viện nhưng quỹ đất lại dành cho nhà cao tầng, trong khi các công trình công cộng như công viên, khu vui chơi… lại không được ưu tiên.
Nêu câu hỏi tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cho biết, việc di dời các cơ quan, doanh nghiệp ra khỏi khu vực thành có rất nhiều trường hợp lại được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường thực trạng trên là chưa tuân theo quy định, định hướng chung. “Như vậy không đạt được mục đích giảm gia tăng áp lực về dân số và quá tải hạ tầng tại khu vực nội thành”, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nói và đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết quan điểm, giải pháp về vấn đề này?
Trả lời đại biểu Nguyễn Mạnh Cường về di dời trụ sở các Bộ, ngành, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu rõ theo Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ nguyên tắc sử dụng quỹ đất của các trụ sở sau khi di dời. Trên cơ sở đó, khi thực hiện di dời thì phải thực hiện đúng theo các nguyên tắc đã xác định và phải thực hiện theo đúng các quy hoạch đô thị.
“Quá trình xem xét cấp phép đầu tư dự án cũng phải đảm bảo đúng quy hoạch phát triển đô thị và trách nhiệm này là thuộc về các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.
Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Xây dựng, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nhắc lại câu hỏi chất vấn, sau khi di dời các doanh nghiệp, cơ quan ra khỏi nội thành, quỹ đất được làm chung cư, trung tâm thương mại, văn phòng dẫn đến áp lực về hạ tầng giao thông, làm tăng dân số trong nội thành.
Đại biểu cũng nhắc lại phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề cập đến Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nói rất rõ, sau khi di dời nhà máy, bệnh viện, trường học ra khỏi nội thành, quỹ đất đó phải được ưu tiên sử dụng cho cơ sở hạ tầng, cho cây xanh, công trình công cộng.
Tuy nhiên, trên thực tế, đại biểu nhận thấy rất nhiều trường hợp không thực hiện đúng Quyết định 130. Đại biểu đoàn Quảng Bình dẫn chứng: Nhà máy in Tiến Bộ ở 175 Nguyễn Thái Học (Hà Nội) sau khi di dời thì chúng ta lại xây dựng trung tâm thương mại, chung cư. Hay khu nhà xưởng cũ ở 61 Trần Phú (Hà Nội) sau khi di dời cũng được xây dựng công trình cao tầng.
Đại biểu Cường cho rằng, trên địa bàn TP Hà Nội còn rất nhiều dự án như trên. Do vậy, đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đến nay đã thực hiện đúng các quy định tại Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ hay chưa?
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị tiếp tục nêu nguyên tắc sử dụng quỹ đất sau di dời, trong đó có nguyên tắc "không sử dụng xây dựng nhà cao tầng sai quy hoạch". Còn nếu dự án thực hiện đúng quy hoạch, đảm bảo chất lượng, điều kiện hạ tầng, thì có thể được triển khai.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, nguyên tắc sử dụng quỹ đất theo Quyết định 130 của Thủ tướng sau di dời tương đối rõ và chúng ta đang thực hiện theo nguyên tắc đó.
Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị Bộ trưởng Nghị đánh giá về tiến độ di dời trụ sở các bộ ngành, trường đại học, cơ sở công nghiệp... ra khỏi nội đô Hà Nội. Ông Tiến cũng đề nghị làm rõ những vướng mắc xung quanh vấn đề này cùng giải pháp xử lý.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, đúng như đánh giá của đại biểu, việc di dời triển khai chậm. Nguyên nhân của chậm trễ trên là do các cơ quan chưa quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, chậm xây dựng dự án di dời; nguồn ngân sách bố trí di dời và đầu tư hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế; chưa huy động nguồn lực ngoài ngân sách.
Về trách nhiệm, Bộ trưởng cho rằng, Bộ chịu trách nhiệm chung về giám sát đôn đốc; các cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể theo nhiệm vụ Chính phủ giao chưa quyết liệt thực hiện nhiệm vụ.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, cần thúc đẩy tiến độ quy hoạch ngành quốc gia, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện; cơ chế chính sách di dời; tăng cường sự phối hợp của Bộ ngành.
Về trực trạng công viên ở Thủ đô, sau phát biểu của Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh về quyết tâm, trong năm 2023 thành phố sẽ làm "sống lại" các công viên trên địa bàn để người dân được hưởng lợi một cách công bằng và tự do tiếp cận, từ ngày 24/10 đến nay, Báo VietNamNet đã có loạt bài phản ánh thực trạng hệ thống công viên, chỉ rõ bất cập, góp giải pháp chung tay "hồi sinh" công viên ở Hà Nội. Thực tế cho thấy, nhiều dự án công viên mới vẫn nằm trên giấy hoặc khởi công rồi ‘đắp chiếu’, công viên cũ vẫn cảnh bị “xẻ thịt”, lấn chiếm. Thực trạng này đòi hỏi, muốn xây dựng Thủ đô trở thành đô thị xanh, cần thực hiện nghiêm quy hoạch mạng lưới công viên, vườn hoa đã có từ năm 2014 với chủ trương dành quỹ đất phù hợp sau di dời cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học cho không gian xanh và ưu tiên đầu tư xứng tầm. Bên cạnh đó, cần quyết liệt giải tỏa, di dời các công trình sử dụng sai mục đích trong công viên, trả lại mảng xanh công cộng. |