Cúm B ở Bắc Kạn lưu hành hàng năm, không đột biến nhưng không được chủ quan

Số ca mắc sốt phải nhập viện điều trị tại Bắc Kạn đã giảm nhanh, không có bệnh nhân nặng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, đoàn chuyên gia BV Nhi Trung ương lần thứ 2 đến tỉnh Bắc Kạn tổ chức thăm khám, tiến hành tập huấn điều trị bệnh cúm cho nhân viên y tế toàn tỉnh Bắc Kạn qua hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 8 huyện, thành phố của tỉnh này.

TS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cùng đoàn chuyên gia của bệnh viện trực tiếp kiểm tra công tác điều trị và tập huấn điều trị chẩn đoán, xử trí cúm, xử trí biến chứng cúm và dự phòng lây nhiễm cộng đồng.

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn cho biết, dịch cúm xảy ra trên địa bàn tỉnh này từ ngày 24/10 khởi đầu ở huyện Chợ Đồn, làm 1 bé gái 8 tuổi tử vong. Hiện nay, số bệnh nhân phải nhập viện điều trị đang giảm dần.

Cúm B ở Bắc Kạn lưu hành hàng năm, không đột biến nhưng không được chủ quan - 1

TS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương (thứ 2 từ phải sang) cùng các chuyên gia BV Nhi Trung ương làm việc với Sở Y tế và BVĐK tỉnh Bắc Kạn.

Tại huyện Chợ Đồn, ngày 31/10/2022, có 15 trẻ đến khám tại Trung tâm Y tế và các Trạm Y tế các xã, thị trấn của huyện với triệu chứng sốt, nghi mắc cúm B, không có bệnh nhi nào phải nhập viện.

Khoa Nhi của TTYT huyện Chợ Đồn đang điều trị cho 7 bệnh nhi nghi nhiễm cúm B. Tình hình sức khỏe các ca bệnh đang điều trị ổn định. Trong ngày 31/10, có 40 bệnh nhi được ra viện.

Tại BVĐK tỉnh Bắc Kạn, số bệnh nhân sốt hiện đang điều trị là 99 người, không có trường hợp bệnh nhân nặng. Đoàn chuyên gia của BV Nhi Trung ương đã tiến hành xét nghiệm ngẫu nhiên 31 bệnh nhân đang điều trị tại BV, có 11 ca mắc cúm B, 1 ca mắc cúm A.

Làm việc với BVĐK tỉnh Bắc Kạn, TS Cao Việt Tùng cho biết, thời điểm này dịch cúm xuất hiện bình thường như mọi năm. Số ca mắc cúm phần lớn là nhẹ, không có diễn biến nặng. Tuy vậy, chúng ta không được chủ quan.

"Ngành y tế Bắc Kạn đã có ứng phó với dịch đúng. Mục tiêu của chương trình tập huấn là nâng cao năng lực chẩn đoán, sớm nhận biết trẻ có diễn biến bệnh nặng, phân luồng và quản lý bệnh nhân điều trị nội trú nhằm hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện", TS Tùng nói.

Chia sẻ về thực hiện khám các bệnh nhi đang điều trị tại BVĐK tỉnh Bắc Kạn, TS Đào Hữu Nam - Trưởng khoa điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Nhi Trung ương cho biết, qua thăm khám bệnh nhi nặng hầu như không có, không có bệnh nhân thở oxy.

TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Nhi Trung ương cho rằng, để hạn chế tình trạng quá tải bệnh nhi ở BVĐK tỉnh Bắc Kạn, bệnh viện cần tổ chức khám sàng lọc, phân loại kỹ bệnh nhân.

"Phải hướng dẫn người nhà bệnh nhi biết cách điều trị, chăm sóc trẻ sốt tại nhà, nhận biết các dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện", TS Hải nói.

Trong điều kiện dịch cúm đang lưu hành hiện nay, chuyên gia đến từ BV Nhi Trung ương khuyến cáo các cơ sở y tế trong toàn tỉnh Bắc Kạn phải quan tâm dự phòng lây nhiễm trong bệnh viện. "Đặc biệt là các bề mặt có chứa dịch tiết mang virus cúm cần phải xử lý bằng hóa chất khử khuẩn theo hướng dẫn của Bộ Y tế", TS Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Nhi Trung ương nói.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân cúm ở Bắc Kạn hiện nay, TS Cao Việt Tùng đề nghị các cơ sở y tế toàn tỉnh Bắc Kạn cần thiết lập tiêu chuẩn bệnh nhân nhập viện, ra viện và quan trọng nhất là nhận biết và sớm phát hiện diễn biến bệnh trở nặng ở trẻ.

"Tổ chức phân luồng tốt và quản lý bệnh nhân điều trị nội trú. Chú ý khâu vệ sinh môi trường, hạn chế thấp nhất lây nhiễm chéo trong bệnh viện. BVĐK tỉnh Bắc Kạn cần điều chuyển bệnh nhân nặng điều trị ở Khoa Nhi, bệnh nhân nhẹ điều trị tại Khoa Truyền nhiễm", TS Tùng nói

Tính đến chiều 1/11, số ca sốt hiện đang điều nằm viện tại các cơ sở y tế của tỉnh Bắc Kạn hiện là 139 người.

(Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống)