Chủ tịch nước: Cảng Liên Chiểu phải là công trình gương mẫu, không tiêu cực
Sáng 14/12, tại TP Đà Nẵng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo các bộ ngành và địa phương dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, cảng Đà Nẵng đã từng có một quá khứ vàng son trên con đường giao thương hàng hải quốc tế. Không những có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế mà còn là có vị trí “yết hầu” về quốc phòng - an ninh của đất nước.
Theo Chủ tịch nước, việc khởi công dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu – phần cơ sở hạ tầng dùng chung là một hợp phần rất quan trọng của cảng Đà Nẵng. Đây là bước cụ thể rất thiết thực, từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…
Chủ tịch nước cho hay, với vị trí thuận lợi về độ sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào từ hành lang kinh tế Đông - Tây, cảng Liên Chiểu được đánh giá có tiềm năng trở thành cảng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Khu vực cảng khá thuận lợi về kết nối giao thông, kết nối với các khu công nghiệp của thành phố.
“Cảng Liên Chiểu sẽ là điểm sáng tạo bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, phong phú, mở rộng không gian phát triển không chỉ cho Đà Nẵng mà cho cả khu vực miền Trung; đảm bảo quốc phòng, an ninh cho Tổ quốc.
Điều này sẽ góp phần làm tăng vị thế của vịnh Đà Nẵng trên bản đồ các vịnh biển của Việt Nam và khu vực”, Chủ tịch nước đánh giá.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tinh thần khẩn trương, sự nỗ lực, tích cực của TP Đà Nẵng, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành Trung ương để có thể hoàn thành các thủ tục pháp lý, tổ chức lễ khởi công dự án như hôm nay.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước mong đây là công trình gương mẫu, ưu tú, đồng thời đề nghị chính quyền Đà Nẵng, nhà đầu tư luôn tuân thủ các quy định của pháp luật, không thất thoát, không tiêu cực tham nhũng, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và chất lượng đề ra.
Đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình “cảng xanh” theo xu hướng của thế giới.
Ngoài ra, phải đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Đà Nẵng.
Chủ tịch nước cũng đề nghị đảm bảo tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logistics, nhất là hệ thống giao thông liên kết vùng. Đào tạo nguồn nhân lực cảng biển và logistics một cách tương xứng với quy mô và yêu cầu đặt ra, nguồn nhân lực phải chuẩn bị trước một bước so với việc đầu tư hạ tầng cảng biển.
“Tôi đề nghị chính quyền thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo và quyết liệt, nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn thúc để dự án sớm hoàn thành...
Đây là dự án lớn, cả quy mô và tổng mức đầu tư, liên quan đến 4.324 hộ dân, chúng ta cần chú ý làm nhanh, làm sớm, làm chất lượng để dân sớm ổn định cuộc sống, khâu kiểm tra, đôn đốc, xử lý vướng mắc là rất quan trọng.
Cần sớm nghiên cứu triển khai để đầu tư các hạng mục còn lại của bến cảng, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, góp phần đưa Đà Nẵng phát triển lên tầm cao mới”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Dự án bến cảng Liên Chiểu được quy hoạch, đầu tư và xây dựng tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng). Cảng Liên Chiểu là một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU. Dự án gồm hai hợp phần, trong đó hợp phần A với kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và thành phố, dự kiến khởi công cuối năm 2022. Hợp phần B (giai đoạn khởi động) của dự án có tổng diện tích 44ha, quy mô 2 cầu cảng (750m) được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân. |