Chàng trai trẻ với khát khao hồi sinh cổ phục Việt

Từ tình yêu với lịch sử và khát khao phục dựng những nét văn hoá Việt, Nguyễn Đức Huy là du học sinh tại Đức đã quyết định trở về quê hương, nghiên cứu và phục dựng các loại trang phục của Việt Nam.

Từng băn khoăn, hụt hẫng khi là người Việt nhưng không hiểu rõ văn hoá Việt để quảng bá với bạn bè quốc tế, Nguyễn Đức Huy đã quyết tâm tìm hiểu, trau dồi kiến thức về đặc trưng của văn hoá Việt Nam…Và từ đây, chàng trai trẻ đã bén duyên với cổ phục Việt: “Lúc ấy tôi bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về văn hoá Việt, đặc biệt là trang phục. Trang phục Việt Nam có rất nhiều giai đoạn khác nhau, trải dài theo các triều đại, chứ không phải có mỗi áo dài nón lá. Tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn và càng ngày càng cuốn hút vào trang phục, tôi thấy đây là cánh cửa dẫn mọi người vào một nền văn hoá”.

Các trang phục được phục dựng theo tư liệu về cổ phục Việt.

Để thực hiện mục tiêu phục dựng trang phục Việt cổ, Nguyễn Đức Huy đã dành nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu về dáng áo, chất liệu, cách may các loại trang phục của Việt Nam từ thế kỷ XI đến XX như Ngũ thân tay chẽn, áo tấc, Giao Lĩnh, Đối Khâm, Nhật Bình…Và kết quả, tháng 4.2019, thương hiệu Đông Phong ra đời với tiêu chí, các sản phẩm luôn chú trọng tính lịch sử, truyền thống, chất liệu, kiểu dáng cũng như các hoạ tiết trên từng bộ trang phục phải bám sát với những tư liệu lịch sử để lại về cổ phục xưa. Ngoài ra, người sáng lập thương hiệu Đông Phong còn miệt mài nghiên cứu và thực hành phương pháp nhuộm tự nhiên.

Nguyễn Đức Huy dựa theo hệ thực vật của Việt Nam để nhuộm theo phương pháp truyền thống.

"Với tôi việc phỏng dựng lại không đơn thuần chỉ là may một cái áo cho giống, mà cần tìm được những chất liệu giống ngày xưa. Vì vậy tôi thực hành phương pháp nhuộm để tìm hiểu các cụ dùng màu sắc như thế nào. Các tài liệu dự trữ, hiện vật không còn nhiều nên rất khó để biết ngày xưa các cụ dùng tông màu gì. Tôi chỉ biết dựa theo hệ thực vật của Việt Nam để nhuộm theo phương pháp truyền thống. Chúng tôi có lên các vùng Tây Bắc để học từ những người dân tộc và có học thêm từ bên Nhật Bản, Trung Quốc. Hai bên đấy thì họ đã khôi phục lại rất tốt ngành nhuộm tự nhiên rồi, tôi xem những phương pháp nào, những nguyên liệu nào phù hợp với Việt Nam thì đưa về thử nghiệm" - Nguyễn Đức Huy nói. Cùng việc thực hành phương pháp nhuộm tự nhiên, Nguyễn Đức Huy còn đi tới nhiều làng nghề, các bản người dân tộc thiểu số ở Sa Pa, Hoà Bình… để học hỏi phương pháp dệt thủ công, cho ra những sản phẩm chất lượng, an toàn với sức khoẻ và bảo vệ môi trường. Với sự tỉ mỉ, trau chuốt trong từng sản phẩm, những trang phục cổ của Đông Phong đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.

Nguyễn Đức Huy giới thiệu với du khách quy trình nhuộm vải tự nhiên

Để quảng bá nét đẹp cổ phục Việt trong các thời Lý, Trần, Lê, triều Nguyễn... Nguyễn Đức Huy cùng nhiều bạn trẻ có chung đam mê đã tham gia quảng bá trang phục Việt cổ tại nhiều lễ hội văn hoá, triển lãm nghệ thuật, hội chợ thủ công ở Ninh Bình, Huế, Hà Nội…; đồng thời thực hiện các buổi tập huấn, mang đến những trải nghiệm thú vị về phương pháp nhuộm vải tự nhiên tại các trường đại học ở Hà Nội. Đánh giá cao định hướng hoạt động của bạn trẻ Nguyễn Đức Huy, chị Trần Thị Ngọc Hân, cán bộ dự án của UNESCO Việt Nam cho rằng: “Những kỹ thuật bây giờ rất ít dùng nhưng các bạn đã cố gắng để khôi phục lại kỹ thuật nhuộm vải cổ, đề cao tính thân thiện với môi trường, hòa hợp với thiên nhiên. Trong bối cảnh hiện nay thành phố Hà Nội nói riêng cũng như Việt Nam nói chung đang đẩy mạnh công nghiệp văn hóa và đề cao sức sáng tạo dựa trên những nguyên liệu truyền thống, tôi tin các bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để phát triển trong tương lai”.

Hành trình tìm lại những trang phục Việt cổ, không những giúp Nguyễn Văn Huy cùng các bạn trẻ thêm hiểu, thêm yêu văn hoá Việt mà còn đúng với xu hướng của ngành thời trang hiện nay, trở về với những giá trị nguyên bản, sống thuận tự nhiên, tối giản và gìn giữ môi trường xanh.

Theo VOV