'Cán bộ có khuyết điểm, không đủ uy tín nên từ quan để lương tâm thanh thản'

Cán bộ, đảng viên không làm tròn nhiệm vụ được giao sẵn sàng chuyển sang công tác khác là phù hợp nhất. Cán bộ đảng viên từ chức trong tâm thế như vậy lương tâm họ cũng thanh thản.

Trao đổi với PV VietNamNet, GS.TSKH Phan Xuân Sơn, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, cá nhân ông rất ủng hộ chủ trương của Trung ương về việc khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm.

Tổng Bí thư vừa ký ban hành Nghị quyết 28 Hội nghị Trung ương 6, trong đó đề cập đến việc khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm. Với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí đang được đẩy mạnh hiện nay, quy định này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Việc ‘treo ấn từ quan’ của mỗi cán bộ, đảng viên có nhiều lý do khác nhau như không đáp ứng được công việc được giao; có ‘vấp váp’ trong quá trình thực thi công vụ gây ảnh hưởng đến uy tín bản thân, không tiện cho việc lãnh đạo điều hành…

Theo tôi, việc cán bộ, đảng viên không làm tròn nhiệm vụ được giao sẵn sàng chuyển sang công tác khác là phù hợp nhất. Cán bộ đảng viên từ chức trong tâm thế như vậy lương tâm họ cũng thanh thản.

Việc cán bộ, đảng viên từ chức khi có khuyết điểm cũng góp phần giải phóng cho bộ máy, tạo điều kiện cho tổ chức bố trí nhân sự phù hợp hơn.

GS. TSKH Phan Xuân Sơn, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuấn Anh.

Mỗi cán bộ, đảng viên có khuyết điểm xin từ chức cũng phù hợp về mặt đạo đức. Tức là phải sẵn sàng chịu trách nhiệm với toàn bộ quyết định của mình trong quá trình thực thi công vụ.

Tổng Bí thư ký ban hành Nghị quyết 28 Hội nghị Trung ương 6, trong đó đề cập đến việc khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm là khái quát những quy định trước đây trong công tác cán bộ, đặc biệt là vấn đề từ chức và xử lý cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng có khuyết điểm.

Với tư cách là nhà khoa học tôi rất ủng hộ chủ trương này. Thế nhưng cách triển khai như thế nào để tránh bệnh hình thức  cũng cần phải nghiên cứu, bàn thảo kỹ lưỡng. Từ đó, khắc phục được tình trạng có quy định nhưng không thực hiện hoặc làm nhưng không tương xứng với thực tế công việc. Tức là nhiều người xứng đáng từ chức nhưng vẫn né tránh không thực hiện quy định.

Thực tế nhiều năm qua rất ít cán bộ có khuyết điểm xin từ chức. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Những cán bộ có khuyết điểm nhưng không từ chức vì nhiều lý do khác nhau.

Điển hình nhất đó là dư luận xã hội hiểu chưa đúng về việc từ chức. Cho nên chúng ta cần phải tuyên truyền như thế nào về nhân dân thấy rằng việc cán bộ có khuyết điểm từ chức là câu chuyện bình thường. Tức là có lên, có xuống, có vào, có ra, không làm được hoặc có khuyết điểm, không còn đủ uy tín thì giao lại công việc cho người khác làm.

Đối với dòng họ, gia đình, bạn bè nhiều khi cũng gây áp lực quá cao đối với những người có chức vụ. Người có chức vụ phải luôn là người thế này, thế kia, phải thăng tiến thành ông nọ bà kia. Khi một cán bộ từ chức thì ảnh hưởng rất lớn đến dòng họ, gia đình, bạn bè.

Đặc biệt, nhiều cán bộ không chịu từ chức do không sẵn sàng từ bỏ lợi ích mà chức danh đó mang lại. Phải nói thật là khi làm lãnh đạo, quản lý có quyền quyết định, cán bộ đó có thể được hưởng rất nhiều bổng lộc.

Làm cách nào để khắc phục được vấn đề trên, thưa ông?

Để khắc phục được những vấn đề mà tôi vừa chỉ ra, chúng ta phải làm công tác tư tưởng cho tất cả các bên, trong đó có cán bộ, đảng viên có khuyết điểm và cả dư luận xã hội, người thân, bạn bè của họ hiểu rằng từ chức là điều bình thường.

Ở nhiều nước, việc từ chức đã trở thành văn hoá. Còn ở nước ta xưa nay có ít cán bộ từ chức nên việc thực hiện còn nặng nề. Theo tôi, nếu cán bộ, công chức từ chức khi còn trẻ tuổi sẽ có nhiều điều kiện làm việc ở lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với năng lực, trình độ của mình.

Điểm mới trong Hội nghị Trung ương 6 vừa qua đó là lần đầu tiên 3 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo ông, quyết định này có mở đường cho văn hoá từ chức?

Thực tế, 3 Ủy viên Trung ương được chấp thuận cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa qua cũng có những khuyết điểm và đã được cơ quan kiểm tra của Đảng công bố công khai. Qua việc này tôi cũng hy vọng văn hoá từ chức sẽ trở thành điều bình thường trong mỗi cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến địa phương. Điều đó có nghĩa là trong công tác cán bộ phải có vào, có ra, có lên, có xuống.

Theo ông, làm cách nào để các cấp ngành, địa phương và mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức và thực hiện đúng yêu cầu khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm?

Trước hết, chúng ta phải thống nhất quán triệt nội dung Nghị quyết 28 Hội nghị Trung ương 6 từ Trung ương xuống địa phương, đến mỗi cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh đó, cũng phải tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân. Nghĩa là phải quán triệt tư tưởng từ trong Đảng và ngoài xã hội. Đối với quy trình, thủ tục từ chức cũng phải làm gọn nhẹ, có tình, có lý, tránh hệ lụy về mặt tư tưởng trong mỗi cán bộ, đảng viên.