Bối cảnh quốc tế phức tạp, Việt Nam-Hàn Quốc vẫn hợp tác chặt chẽ

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh quốc tế còn nhiều phức tạp, Việt Nam và Hàn Quốc vẫn có sự hợp tác chặt chẽ như việc duy trì thường xuyên giao lưu, tiếp xúc cấp cao để tăng cường sự tin cậy chính trị-ngoại giao.

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin thăm chính thức Việt Nam ngày 18/10.

Sáng nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin. Hoan nghênh Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc sang thăm Việt Nam, chuyến thăm nước Đông Nam Á đầu tiên ngay sau khi nhậm chức, Chủ tịch nước đánh giá cao kết quả thành công cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Park Jin và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc.

2022 là năm hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đây là chặng đường hai nước hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực. Chủ tịch nước khẳng định chuyến thăm của Bộ trưởng Hàn Quốc rất có ý nghĩa trong thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn tăng cao. Hiện có một số lượng rất lớn doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam và Hàn Quốc luôn coi Việt Nam là đối tác chiến lược về hỗ trợ phát triển ODA.

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc cũng chia sẻ ngay sau khi đại dịch được kiểm soát, số lượng người dân Việt Nam sang Hàn Quốc du lịch cũng tăng nhanh. Chính phủ Hàn Quốc có chính sách đảm bảo an toàn cho người dân Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc và lao động, có trung tâm hỗ trợ các gia đình đa văn hóa. Bộ trưởng Ngoại giao Park Jin cũng đề nghị Việt Nam ủng hộ Hàn Quốc đăng cai tổ chức World Expo 2030.

Đánh giá cao nỗ lực của Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác song phương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh quốc tế còn nhiều phức tạp, hai nước vẫn có sự hợp tác chặt chẽ như việc duy trì thường xuyên giao lưu, tiếp xúc cấp cao để tăng cường tin cậy chính trị-ngoại giao, thực hiện định kỳ các cơ chế đối thoại, hợp tác, đẩy mạnh hợp tác về quốc phòng và an ninh, nhất là công nghiệp quốc phòng.

Nhấn mạnh hợp tác kinh tế luôn là trụ cột quan trọng của quan hệ hai nước, Chủ tịch nước đề nghị hai bên quan tâm thúc đẩy hiệu quả, thực chất hơn với khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, phấn đấu đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào 2023 và 150 tỷ USD vào 2030 theo hướng cân bằng.

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc trao thư của Tổng thống Yoon Suk-yeol tới Chủ tịch nước.

Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư Hàn Quốc mở rộng quy mô đầu tư vào Việt Nam, hiện là 80 tỷ USD, nhất là công nghệ số, điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các Khu tổ hợp công nghệ chuyên sâu, khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao...

Trước đó, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đón và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc. 

Trong không khí hữu nghị, chân thành, hai Bộ trưởng đã thông tin cho nhau về tình hình kinh tế-xã hội mỗi nước, điểm lại những thành tựu nổi bật trong quá trình phát triển quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc trong 30 năm qua và nhất trí áp dụng nhiều biện pháp nhằm phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác hai nước thời gian tới. Hai Bộ trưởng cũng nhất trí phối hợp chặt chẽ thúc đẩy hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt...

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đón Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc.

Hai bên tiếp tục duy trì đà hợp tác về kinh tế, nhất là đầu tư và thương mại trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tiếp tục nỗ lực đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng thông qua các cơ chế hợp tác song phương và đa phương, tăng nhập khẩu hàng hóa Việt Nam có thế mạnh như nông, thủy, hải sản, trái cây theo mùa vào thị trường Hàn Quốc.

Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư vào Việt Nam, trong đó ưu tiên lĩnh vực công nghệ số, điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các Khu tổ hợp công nghệ chuyên sâu, KCN, nông nghiệp chất lượng cao.

Hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước.

Người đứng đầu ngành Ngoại giao Việt Nam đề nghị Chính phủ Hàn Quốc tạo điều kiện để tăng các khoản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, giảm và tiến tới gỡ bỏ các điều kiện về nhà thầu, xuất xứ hàng hóa trong việc thực hiện các khoản vay quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF), đẩy mạnh hiệu quả hợp tác về khoa học công nghệ, y tế, lao động, văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân. 

Bộ trưởng Ngoại giao Park Jin khẳng định Chính phủ Hàn Quốc rất coi trọng vị trí, vai trò của Việt Nam tại khu vực và mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ, hợp tác về mọi mặt với Việt Nam. Ông chia sẻ mối quan tâm của Việt Nam về thúc đẩy cân bằng thương mại; đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhằm ổn định chuỗi cung ứng sau đại dịch.

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc ghi sổ lưu niệm tại trụ sở Bộ Ngoại giao

Bộ trưởng Park Jin khẳng định Bộ Ngoại giao Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao Việt Nam và các cơ quan hữu quan hai nước để phát triển đưa quan hệ, hợp tác hai nước đạt được các mục tiêu về mọi mặt thời gian tới.

Về tình hình quốc tế và khu vực, hai Bộ trưởng đã thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm. Việt Nam luôn quan tâm tới tình hình trên bán đảo Triều Tiên gần đây, mong các bên kiềm chế, tránh làm gia tăng căng thẳng, kiên trì đối thoại. Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào tiến trình thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Bộ trưởng đề nghị Hàn Quốc tiếp tục ủng hộ và chia sẻ tầm nhìn chung về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định an ninh hàng hải ở Biển Đông hết sức quan trọng đối với hòa bình và phát triển ở khu vực; ủng hộ duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không, trật tự pháp lý và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.